Nguyên nhân liên quan đến chế độ ăn uống nghỉ ngơi không tốt, phép trị chủ yếu kiện tỳ thận nhiếp huyết. Sau đây là món ăn bài thuốc dược thiện chữa rong kinh giúp tăng cường sức khỏe.
Thịt lươn: Vị ngọt tính rất ấm, tác dụng dưỡng khí huyết, bổ trung ích khí, dùng tốt cho phụ nữ khí huyết hư, rong kinh, rong huyết, huyết hư, kinh ra ít, kinh vài tháng một lần, các chứng liên quan đến âm huyết hư hỏa thịnh dùng đều rất tốt. Chế biến bằng cách phối hợp thịt lươn, miến dong, mộc nhĩ, gia vị xào ăn, hoặc đậu xanh, gạo nấu cháo ăn đều tốt.
Cật heo: Theo sách Tuệ Tĩnh “Bồ dục lợn là trư thận vị mặn, tính lạnh, không độc, tác dụng bổ hư, bổ khí lợi bàng quang, chữa đau lưng, đau gối, ù tai băng lậu”, dùng chữa chứng thận hư không cố giữ hạ tiêu sinh rong kinh, chứng hư nhược xuất huyết nhiều nơi. Chế biến bằng cách dùng cật heo phối hợp đỗ trọng, ngải cứu hầm ăn, hoặc phối hợp hạt sen, cà rốt khoai tây hầm ăn.
Chân gà: Vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ hư ích khí, kiện tỳ ích thận hóa thấp, nhiếp huyết, ích ngũ tạng, dùng rất tốt cho phụ nữ kinh mạch hư yếu, tỳ thận hư, không nhiếp huyết, rong kinh rong huyết và các chứng kinh mạch suy yếu, xuất huyết nhiều nơi dùng rất tốt… Dùng cánh, chân gà hầm ngải cứu, đậu xanh với cà rốt, khoai tây hoặc đậu đen. Dùng chân gà rút xương làm gỏi ngó sen, cà rốt ăn đều tốt.
Thịt trai: Vị ngọt, tính hàn, tác dụng bổ âm, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, liễm hãn, chỉ huyết, dùng rất tốt với phụ nữ huyết nhiệt băng huyết, chứng hỏa nghịch, hành kinh xuất huyết mũi miệng. Bằng cách nấu cháo đậu xanh, hoặc nấu canh rau ngót, rau dền ăn đều tốt.
Cháo huyết heo: Huyết heo rất giàu dưỡng chất, đặc biệt chứa nhiều protein, vitamin K. Tác dụng bổ hư, thanh nhiệt, giải độc, dưỡng huyết, cầm huyết, giúp chữa chứng phụ nữ rong kinh, rong huyết, người yếu, xuất huyết nhiều nơi, sốt xuất huyết, phát ban dùng đều tốt. Chế biến bằng cách, dùng huyết heo nấu canh rau hẹ hoặc phối hợp đậu xanh nấu cháo ăn, hoặc nấu canh hoa lý ăn đều tốt.
Thịt ba ba: Vị ngọt, tính bình, tác dụng bổ âm, mát huyết, bổ hư, tăng cường kháng thể, dùng rất tốt cho phụ nữ âm huyết hư, hỏa thịnh mà rong kinh, xuất huyết mũi miệng, các chứng liên quan đến âm huyết hư dùng đều tốt.
Cá lóc: Vị ngọt tính bình không độc, tác dụng bổ hư, khử thấp, trừ phong, tiêu thũng, lợi thai, thông khiếu. Trị chứng tỳ thận hư, huyết hư mà hỏa thịnh, huyết vong hành sinh rong kinh, lậu kinh…Dùng bằng cách phối hợp cá lóc om rau cần, rau dấp cá, hoặc phối hợp hoa lý, tần ô, rau dền nấu lẩu ăn đều hay.
Cá chép: Vị ngọt, tính bình, tác dụng hạ khí, trừ hoàng đản, ho đàm, máu cục trong bụng, an thai, tiêu thũng, dùng rất tốt phụ nữ có kinh, đau bụng có huyết ứ, kinh màu tía, màu đen có hòn cục, hoặc viêm nhiễm, u xơ, u nang, thấp nhiệt, hạ tiêu dùng đều tốt.
Cá kèo: Vị ngọt mặn, tính bình, tác dụng kiện tỳ hóa đàm, dưỡng can thận, khỏe gân xương, thông huyết mạch, an thai, lợi sữa. Dùng cá kèo rất tốt giúp chữa tỳ vị hư ăn kém, ho đàm, phù thũng, nhức mỏi, phụ nữ ăn kém tỳ hư hay rong kinh, rong huyết, hết kinh sớm dùng đều hay. Dùng bằng cách, lấy cá kèo, củ kiệu, hành khô, thịt ba chỉ, mắm, gia vị vừa đủ kho ăn, hoặc cá kèo, phối hợp cánh gà, rau đắng, hoa lý, hoa chuối, nấu lẩu, hoặc gia vị kho ăn đều tốt.
Ngoài ra, nếu người nóng nhiều, tăng cường ăn vị bổ mát cầm huyết như rau dền, rau má, rau cần, rau đắng, rau muống nấm mèo, mướp hương, hoa lý, giá đậu, đậu đen, đậu xanh… Nếu người lạnh nhiều, tăng cường ăn vị ấm, cầm huyết như ngải cứu, rau hẹ, kinh giới, các loại rau thơm hoặc gan động vật như dê, bò, gà, heo đều tốt.
Lương y Phan Thị Thạnh (Hội Đông y Vũng Tàu)