FRT hiện đang sở hữu Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu (nắm giữ 75% vốn điều lệ), với chuỗi nhà thuốc Long Châu trải khắp 30 tỉnh, thành cả nước. Nhìn chung, tình hình kinh doanh của FRT trong 6 tháng đầu năm không nhiều khả quan.
Nếu tính riêng công ty mẹ (bán lẻ FRT), lợi nhuận trước thuế của công ty này đạt 52 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2019. Nhưng theo BCTC hợp nhất, bao gồm cả công ty con là Dược phẩm FPT Long Châu, lợi nhuận sau thuế của FRT chỉ là 16 tỷ đồng, giảm 90%.
Tính đến 30/6/2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FRT đạt 7.388 tỷ đồng, giảm 10%. Tuy nhiên, lượng hàng bán bị trả lại và giá vốn đã giảm lần lượt 53% và 10%. Do đó, lợi nhuận gộp trong kỳ này gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, không có sự chênh lệch, đạt 1.026 tỷ đồng.
Các khoản tiền gửi, cho vay đã mang về cho FRT khoản lãi lên tới 30 tỷ đồng, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho 80 tỷ đồng chi phí lãi vay mà công ty này phải trả. Các chi phí khác cũng tăng cao. Chi phí tài chính tăng 38%, chi phí bán hàng tăng 16%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 39%.
Những chi phí này đã kéo lợi nhuận trước thuế và sau thuế của FRT giảm xuống lần lượt 87% và 90%.
Hàng tồn kho của FRT là 2.335 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản của công ty. Số vòng quay hàng tồn kho là 1,18 vòng. Đây là con số rất thấp, phản ánh chu kỳ kinh doanh của các mặt hàng này là rất lâu, dẫn tới tiền bị kẹt ở hàng tồn kho lâu ngày.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) của FRT là âm 1,4%, cho thấy hiệu quả của việc sử dụng vốn công ty là không có. Với mỗi một đồng vốn bỏ ra, công ty này không những không mang về chút lợi nhuận nào, mà còn lỗ 1,4 đồng.
Tương tự, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân (ROAA) cũng mang giá trị âm (-0,3%). Có nghĩa, tài sản của công ty cũng không được sử dụng hiệu quả.
Khả năng thanh toán lãi vay của FRT trong quý 2 là 0,42 lần, thấp hơn rất nhiều so với các kỳ trước. Lợi nhuận của FRT không đủ để thanh toán lãi của các khoản nợ hiện có (cho đến thời điểm cuối tháng 6/2020, FRT đang nợ 2.594 tỷ đồng).