Được đi làm từ thiện là vui

c đi làm từ thiện là vui – đó là chia sẻ của bà Lê Thị Minh Đức (69 tuổi, ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội).

Với bà Lê Thị Minh Đức, được đi làm từ thiện là vui.

Tâm huyết với các hoạt động xã hội

Trong buổi họp tổng kết của CLB sức khỏe tâm tình người cao tuổi, bà Lê Thị Minh Đức là một trong những người được tuyên dương khen thưởng vì có những đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB.

Là phó chủ nhiệm CLB, bà Đức chia sẻ, để CLB thực sự trở thành một sân chơi bổ ích cho những người cao tuổi thì ban chủ nhiệm phải là những người tâm huyết và năng động.

Hội phí là 200.000đ/người/một năm, rất eo hẹp để vừa thuê hội trường, vừa tổ chức các hoạt động của CLB… Vì vậy, ban chủ nhiệm phải liên hệ tìm các nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp.

Rồi phải đa dạng hóa các hoạt động, các nội dung sinh hoạt để lôi cuốn hội viên. Như hoạt động văn nghệ, lúc đầu nhiều người muốn thuê biểu diễn, nhưng ban chủ nhiệm đã quyết định phân cho các tổ, mỗi tổ phải có một vài tiết mục. Bởi điều quan trọng là mọi người đều được tham gia.

Đến nay, các tiết mục văn nghệ của CLB vô cùng phong phú và là một trong những hoạt động thu hút được sự quan tâm cũng như hứng thú của các hội viên.

Hoạt động của CLB được Trung tâm tư vấn và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đánh giá cao và coi đây là một mô hình cần được nhân rộng. Hội phụ nữ phường sắp tới cũng muốn thành lập một CLB như thế và đã mời bà Đức giúp tổ chức.

Ngoài tham gia CLB bà còn tham gia rất nhiều hoạt động xã hội ở địa phương, từ Mặt trận tổ quốc, dân số, hội Chữ thập đỏ…

Theo bà, làm công tác xã hội trước hết là phải có tâm, phải nhiệt tình chứ cứ muốn ngồi chơi xơi nước, hay chỉ tay năm ngón là không được. Bởi muốn nói được người khác thì mình phải làm trước đã.

Điều bà tâm huyết nhất là công tác của hội Chữ thập đỏ. Ngoài những đóng góp cho các quỹ của hội, bà còn tự tìm hiểu những trường hợp thực sự khó khăn để vận động giúp đỡ.

Như trường hợp hai cháu gái bố mẹ mất vì ung thư, hiện sống cùng ông bà. Bà thì mù, ông thì ngoài 90 tuổi và là lão thành cách mạng. Biết được thông tin như thế, bà phải tìm đến tận nơi để tìm hiểu, rồi lại phải lặn lội về tận quê xác minh cả họ hàng nội ngoại hai bên…

Rất vất vả, nhưng bà muốn sự giúp đỡ của mình phải xứng đáng, phải đúng địa chỉ người cần được giúp, không giúp vu vơ, làm cho xong chuyện. Và mỗi trường hợp như thế, làm được là bà thấy vui, thấy trong lòng thanh thản.

Tự hào vì các con biết chia sẻ

Trong gia đình mọi người cũng rất ủng hộ việc làm của bà. Đặc biệt, con trai và con dâu luôn đồng hành cùng bà. Như hôm vừa rồi, các con vừa lên Điện Biên dự lễ khánh thành một điểm trường, mãi tối mịt mới về.

Thấy các con vất vả thì thương, nhưng bà cũng rất tự hào vì các con biết sống chia sẻ với mọi người. Không những thế, con dâu còn luôn tìm cho bà những địa chỉ cần giúp đỡ.

Dịp Tết sắp tới đây, nhà có tang không đi chơi đâu nên bà đã nhờ con liên hệ để tới bệnh viện thăm các bệnh nhân nặng không về nhà ăn Tết được.

Bà Đức tâm sự, có đến bệnh viện mới thấy nhiều người khổ lắm, thương lắm. Mà đã gặp rồi thì không cầm lòng được, phải tìm cách giúp họ.

Kinh tế thì biết thế nào cho đủ. Mình ăn bát cơm thì cũng phải để người ta có bát cháo. Và cũng chính đi làm từ thiện như thế này mới gặp nhiều người tử tế. Có lần bà tìm thuê xe, biết là thuê xe đi làm từ thiện, anh lái xe đã miễn phí cả chuyến đi.

Điều khiến bà tự hào nhất là các con đều sống có trách nhiệm và biết chia sẻ. Bà luôn dạy các con, không cần học đâu xa, chỉ cần học bố. Cả đời sống ngay thẳng, thật thà, không tham tiền bạc. Dù có phải chịu thiệt thòi cũng phải cố giữ lối sống ấy vì đó cũng là truyền thống của dòng họ.

Tuệ Minh

Theo Đời sống
back to top