<div> <p><strong>Khi nào cần tẩy giun?</strong></p> <p>Dùng thuốc tẩy giun khi xác định cơ thể bị nhiễm giun sán.</p> <p>Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ em bị nhiễm giun sán chính là việc bụng trẻ đau và to căng cứng bất thường và bé thường xuyên bị ngứa hậu môn vào ban đêm do giun kim chui ra ngoài hậu môn đẻ trứng.</p> <p>Nên dùng thuốc tẩy giun định kỳ. Thuốc trị giun đường ruột là thuốc có tác dụng tẩy sạch hoặc làm giảm đáng kể số lượng giun ra khỏi ruột.</p> <p>Để tẩy giun hiệu quả, cần lưu ý là nên tẩy cả cho cả nhà trong cùng một đợt để tránh nhiễm giun chéo.</p> <p>Thông thường, cả người lớn và trẻ em 2 tuổi trở lên mỗi năm nên tẩy giun 2 lần, định kỳ 6 tháng 1 lần.</p> <p>Trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm giun thì nên đưa trẻ đi khám và làm xét nghiệm tầm soát. Khi đã có bằng chứng chính xác của nhiễm giun thì trẻ sẽ được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.</p> <p>Khi uống thuốc tẩy giun, trẻ không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.</p> <p>Để hạn chế việc tái nhiễm giun, cần rửa tay sạch sẽ khi ăn; ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, nấu kỹ và bảo quản tốt; diệt ruồi và dán, vì chúng có thể bám vào phân hay thức ăn nhiễm trứng giun và bò hay đậu lên thức ăn sạch; rửa sạch sẽ đồ chơi, không để trẻ bò lê dưới đất...</p> <p><strong>Cách sử dụng thuốc tẩy giun cho trẻ em, người lớn</strong></p> <p>Các loại thuốc tẩy giun thường chứa chất <strong>Albendazole</strong>, đây là một dẫn chất benzimidazol carbamat, có phổ hoạt tính rộng trên các loại giun đường ruột như giun đũa, giun kim, giun lươn, giun móc, giun mỏ, giun tóc, giun xoắn và thể ấu trùng ở cơ và da, các loại sán dây và ấu trùng sán ở mô. Thuốc có tác dụng diệt được cả trứng, ấu trùng giun.</p> <p>Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc tẩy giun cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 2 tuổi; bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với các hoạt chất benzinidazole hoặc một trong các thành phần khác của thuốc; bệnh nhân bị suy gan; nhiễm độc tủy xương thì không được dùng thuốc này. Sau khi uống thuốc ít nhất 1 tháng cũng không nên có thai bởi thuốc có thể gây nguy hại cho thai nhi.</p> <p>Tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, nhức đầu chóng mặt, nổi mẩn... Khi gặp một trong các triệu chứng này sau khi uống thuốc, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời.</p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td class="pic"><img src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/10/cach_su_dung_thuoc_tay_giun_cho_tre_em_nguoi_lon(1).jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="caption"> </td> </tr> </tbody> </table> <p><strong><em>Liều dùng một số loại thuốc tẩy giun phổ biến hiện nay:</em></strong></p> <p>- Thuốc tẩy giun Mebendazole 500mg: Dùng 1 liều duy nhất cho người lớn và trẻ em. <br /> <br /> - Thuốc tẩy giun Fugacar là tên biệt dược của thuốc chứa chất mebendazole. Đối với người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên, chỉ cần uống 1 viên duy nhất. Thuốc này có thể uống lúc đói hoặc khi no đều được. Tuy nhiên theo lời khuyên của bác sĩ thì nên uống thuốc tẩy giun và buổi sáng, lúc bụng đói sẽ tốt hơn.<br /> <br /> - Thuốc tẩy giun Albendazole 200mg cho trẻ dưới 2 tuổi, 400mg cho trẻ trên 2 tuổi và người lớn.<br /> <br /> - Thuốc tẩy giun Pyrentel Palmoate 125 mg liều 1 viên cho mỗi 10 kg cân nặng. </p> </div> <div> <div> <div> </div> </div> </div>