Chỉ 5ml là không thể cứu chữa và tử vong
Từ đầu năm tới nay Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận hơn 20 ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
BS CKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo, đây là loại thuốc diệt cỏ cực độc, khi vào cơ thể gây tổn thương tất cả các cơ quan và người bệnh chết vì suy hô hấp, suy gan, suy thận, suy tạng. Vì vậy, người dân tuyệt đối không nên uống và lưu trữ thuốc diệt cỏ Paraquat. Bởi uống loại thuốc này từ 5ml trở lên sẽ không thể cứu chữa và dẫn đến tử vong. Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị cho các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân ngộ độc paraquat có thể biểu hiện không nặng, thậm chí không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, các biểu hiện ngộ độc cho thấy, ngay sau khi uống bệnh nhân thấy đau rát miệng, họng thực quản như bị bỏng, niêm mạc miệng đỏ rực, phù nề, có thể có giả mạc nuốt khó, đau bụng từng cơn, đau tăng lên khi ấn vào vùng thượng vị. Có thể nôn ra máu, tổn thương loét thực quản dạ dày, có thể thủng trong 24 giờ đầu và là dấu hiệu tiên lượng nặng.
Tại cơ quan hô hấp có các biểu hiện suy hô hấp và đây là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho bệnh nhân. Bệnh nhân thở nhanh, tím, khó thở là biểu hiện của tổn thương phổi, có thể dẫn đến phù phổi cấp trong vòng 3 ngày đầu. Trong những trường hợp ngộ độc nhẹ và trung bình, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì trong vòng một tuần, sau đó tình trạng xơ phổi xuất hiện từ tuần thứ 2 với biểu hiện suy hô hấp tiến triển nặng dần: tím tái, thở ôxy mũi và các biện pháp hỗ trợ hô hấp thông thường không có kết quả. Khám lâm sàng tại phổi triệu chứng rất nghèo nàn không tương xứng với tình trạng suy hô hấp nặng.
Thảo dược không có tác dụng để trị
Các chuyên gia chống độc cho biết, việc điều trị ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat tùy thuộc liều uống, thời gian được cấp cứu, nếu bệnh nhân dùng trên 40mg/kg (0,2ml/kg loại dung dịch 20%) đến cấp cứu sau 1 giờ thì tỷ lệ tử vong là 100%. Uống 20 - 40mg/kg (0,1 - 0,2ml/kg loại dung dịch 20%), đến muộn sau 1 giờ hoặc uống trên 40mg/kg nhưng đến sớm trước 1 giờ với tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao. Uống dưới 20mg/kg (0,1ml/kg loại dung dịch 20%), đến cấp cứu sau 1 giờ được coi là ngộ độc nhẹ, nếu được cứu chữa tích cực có thể sống. Như vậy, có thể nói thời gian “giờ vàng” chỉ là từ 1-2 giờ đầu sau khi uống thì bệnh nhân có cơ hội được cứu sống. Nếu đến sớm trong vòng 1 giờ sau uống thì tiên lượng nhẹ đi 1 bậc. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngộ độc paraquat thường dài hơn 6 giờ sau khi uống. Chưa kể, nhiều bệnh nhân đến viện cấp cứu rất muộn và việc xác định ngộ độc paraquat cũng cần những khoảng thời gian nhất định.
BS CKII Nguyễn Anh Tuấn khuyên, khi người bệnh đã trót uống loại thuốc diệt cỏ cực độc này, gia đình đưa ngay tới các cơ sở y tế, không nên nghe theo các lời “cò mồi” mua các loại “thuốc thảo dược” để “cứu người bệnh”. Đặc biệt gần đây, tại cửa khoa Hồi sức tích cực & Chống độc của Bệnh viện đa khoa tỉnh có hiện tượng, các “cò mồi” mời chào các gia đình người bệnh (đã uống thuốc diệt cỏ Paraquat) mua “can thuốc thảo dược” không rõ nguồn gốc (loại can 5 lít màu vàng hoặc màu trắng) với giá 5 triệu đồng/1can để chữa bệnh ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Có gia đình đã mua từ 1 đến 3 can để cho người bệnh uống nhưng kết quả bệnh nhân vẫn tử vong. Người dân tuyệt đối không nên mua để tránh trường hợp “tiền mất - tật mang”.
Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, cần chú ý: Nhãn mác sản phẩm phải ghi rõ các loại hóa chất, độc tính, cách cấp cứu khi nhiễm độc; cất giữ thuốc ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ em... Không được đựng thuốc trong các vật dụng khác vì dễ nhầm lẫn dẫn đến việc có thể uống nhầm. Cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không bán thuốc bảo vệ thực vật độc hại hoặc phải suy xét kỹ khi bán thuốc cho các trường hợp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong các gia đình cần phải quan tâm chia sẻ lẫn nhau, giải quyết tốt những mâu thuẫn để không dẫn đến ý muốn tự vẫn của người thân.
Khi phát hiện có người uống thuốc bảo vệ thực vật tự tử cần phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần để súc rửa ruột và chuyển viện sớm. Khi đưa nạn nhân đi cấp cứu cần mang theo chai thuốc mà nạn nhân đã uống để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác loại thuốc gây ngộ độc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ban hành Quyết định số 278/QĐ-BNN-BVTV (ngày 08/2/2017) về việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật chứa Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.