GS Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, vật nuôi quen thuộc và phổ biển nhất trong các gia đình là chó và mèo. Trong khi đó, nguy cơ lây bệnh từ hai loài này là khá lớn. Trước tiên là bệnh dại. Tác nhân gây nên bệnh dại là lyssa virút, có rất nhiều trong nước bọt của thú mang bệnh dại. Qua vết cắn, virus theo đường thần kinh tấn công vào hệ thần kinh trung ương (hay não bộ) gây nên tình trạng viêm não tủy. Trên lý thuyết, virút còn có thể xâm nhập qua các vết trầy xước ngoài da cũng như qua niêm mạc mắt, mũi và miệng.
Ngoài bệnh dại, các vật nuôi như chó, mèo còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khác như nhiễm giun đũa chó hoặc nhiễm một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo. Nhiễm giun đũa chó có thể gây đến mù lòa. Thông thường, giun đũa chó, trứng hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể. Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng. Đặc biệt, đối với trẻ em khi nhiễm, giun đi vào sau võng mạc làm nạn nhân mù từ từ.
Theo một nghiên cứu mà các nhà khoa học đã công bố, 3/4 bệnh dịch ở người bắt nguồn từ động vật. Ví dụ như virút gây bệnh viêm não Nhật Bản được truyền bởi tác nhân là muỗi. Để phòng tránh, mọi người nên có chỗ riêng để nhốt thú cưng. Sau khi vuốt ve, nựng chó, mèo phải rửa tay sạch bằng xà phòng, tránh để trứng giun ký sinh từ con vật xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.