Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – Khoa Dược trường Đại học Y dược TPHCM, thuốc Paracetamol so với thuốc Aspirin được người dân sử dụng rộng rãi hơn do ít tác dụng phụ với dạ dày. Hơn nữa, Paracetmol rất dễ mua và dược chất này có trong nhiều thuốc khác nhau về tên thương mại nên nhiều người hay uống gộp thuốc gây quá liều.
Ảnh minh họa.
PGS Đức cho biết, ngộ độc Paracetamol nhẹ thì gây mệt mỏi, nôn ói nhưng với trường hợp nặng thì có thể gây hoại tử gan, ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
Khi uống Paracetamol vào, thuốc sẽ hấp thu qua hệ tiêu hóa vào máu, vừa cho tác dụng điều trị là giảm đau hạ sốt, vừa được gan chuyển hóa để thải trừ ra khỏi cơ thể.
Gan chuyển hóa Paracetamol thành nhiều chất khác nhau không còn hoạt tính, sau cùng thành chất dễ tan trong nước tiểu để được thải ra.
Tuy nhiên, khi chuyển hóa, Paracetamol có chuyển thành chất rất độc có tên N-acetyl benzoquinonimin, gan phải dùng chất sinh học do nó tạo ra có tên glutathion để chuyển hóa tiếp chất rất độc thành chất cuối cùng không độc và đào thải nó theo nước tiểu.
Khi sử dụng quá liều, gan không đủ glutathion để chuyển hóa thuốc, trong đó N-acetyl benzoquinonimin là chất độc tồn đọng sẽ gây hoại tử tế bào gan, hôn mê gan.
Triệu chứng thường gặp là chán ăn, buồn nôn, vã mồ hôi, khó chịu, có thể đau hạ sườn phải. Sau 1 – 2 ngày, có dấu hiệu vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu ở trẻ em cũng tương tự.
PGS Nguyễn Hữu Đức chỉ 3 nguyên tắc dùng paracetamol an toàn:
Thứ nhất: Không dùng paracetamol tự điều trị cảm sốt, giảm đau quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ con, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Thứ hai: Liều thông thường hạ sốt cho trẻ là 10-15 mg/kg cân nặng, ngày uống 3-4 lần, và liều tối đa cho trẻ là không quá 60 mg/kg/ngày. Còn đối với người lớn, mỗi lần uống 500 mg – 600 mg, ngày uống 3 lần, không nên quá 3 gram trong ngày. Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan đã kém.
Thứ 3: Người uống rượu nhiều không nên dùng bừa bãi Paracetamol vì Paracetamol và rượu đều có hại cho gan, do đó nếu kết hợp sẽ làm tăng độ nguy hại lên nhiều lần.
Mai Nguyễn (tổng hợp)