Cả hai đưa ra ý tưởng xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho một hoặc một vài hộ gia đình. Cụ thể, mỗi hộ có một bể xử lý nước thải bằng TiO2 riêng, trước khi được xả thải ra sông. Điều này sẽ giúp giảm phần nào gánh nặng xử lý nước thải ở các hệ thống như sông Tô Lịch. Sau hơn 1 tháng làm việc liên tục cùng thầy trên phòng thí nghiệm, Nhật Minh và Linh Ngân đã chế tạo thành thành công TiO2 và thiết kế bộ xử lý nước thải gồm bể lọc có chứa TiO2, đèn chiếu sáng và máy bơm tuần hoàn. Kết quả là nước thải ô nhiễm được bổ sung thêm TiO2, dưới tác động của ánh sáng tử ngoại (có thể sử dụng ánh sáng mặt trời), sau 4 giờ đã được xử lý sạch lên tới 70%.
"Cái khó lớn nhất khi thực hiện nghiên cứu này là có nhiều kiến thức, thí nghiệm nằm ngoài hiểu biết và chúng em chưa từng được học. Em được thực hiện và quan sát từng thí nghiệm về cách TiO2 khử các chất bẩn trong nước dưới ánh sáng mặt trời. Nếu không tự tay thực hiện, em sẽ chỉ nhìn và nghe những câu chuyện về người Nhật biến nước bẩn thành nước sạch như một điều kỳ diệu mà thôi", Bùi Linh Ngân cho biết.