Dùng máy dò kim loại, ngỡ ngàng phát hiện kho báu hơn 100 tỷ ở Anh
Tâm Anh (TH)
Khi đi qua cánh đồng thuộc sở hữu của một nông dân ở Lichfield (Anh), ông Terry Herbert dùng máy dò kim loại mua chỉ với 2 bảng Anh để dò tìm kho báu và vỡ òa khi tìm thấy kho báu hơn 100 tỷ đồng.
Năm 2009, ông Terry Herbert đi qua cánh đồng thuộc sở hữu của một nông dân có tên Fred Johnson gần Lichfield (Anh). Theo đó, ông dừng lại và dùng máy dò kim loại mua chỉ với 2 bảng Anh (khoảng 60.000 đồng) để dò tìm kho báu. Ông đã vô cùng hạnh phúc khi tìm thấy kho báu hơn 100 tỷ đồng.
Kho báu mà ông Herbert tìm thấy gồm: gần 700 cổ vật đặc biệt được tìm thấy trong 4.600 mảnh vỡ. Tổng cộng có gần 4 kg vàng và 1,7 kg bạc.
Các nhà khảo cổ học suy đoán kho báu khổng lồ này có thể huộc về hoàng gia hoặc quý tộc. Để làm rõ danh tính chủ nhân kho tàng cổ vật này, họ sẽ tìm kiếm các sử liệu, ghi chép tại địa phương.
Sau 10 năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ công bố những thông tin chi tiết về kho báu hơn 100 tỷ đồng trên. Theo họ, khoảng 80% trong số gần 700 cổ vật được xác định là các vũ khí được dùng trong thời chiến. Đa số vũ khí là thanh kiếm.
Ngoài ra, kho báu khổng lồ trên còn có một chiếc mũ bạc mạ vàng, mũ giáp từ thời Anglo-Saxon cực kỳ hiếm ở Anh.
Các nhà khảo cổ cho biết số cổ vật trên có niên đại vào giữa thế kỷ 6 - 7. Chúng được chôn xuống lòng đất trong giai đoạn từ năm 650 - 675.
Theo các chuyên gia, kho báu cổ vật này là những gì còn sót lại từ "cuộc chiến thần thánh trong thời kỳ đen tối", trong đó các nhà lãnh đạo Pagan giáo đã chiến đấu chống lại các vương quốc Kitô giáo. Vậy nên, các cổ vật được tìm thấy mang biểu tượng Pagan giáo hoặc Kitô giáo.
Giới nghiên cứu tin rằng, vương quốc Mercia ở vùng trung du nước Anh ngày nay đã lấy được các báu vật trên từ tay những vương quốc như: Northumbria, Đông Anglia và Wessex.
Với việc tìm ra kho báu cổ vật thời Anglo-Saxon với số lượng lớn, các nhà khảo cổ ca ngợi đây là "một trong những phát hiện vĩ đại nhất của ngành khảo cổ học Anh".
Nhiều thông tin về kho báu hơn 100 tỷ đồng được giới thiệu tới công chúng trong cuốn sách có tựa đề "Kho chứa Staffordshire: Một kho báu thời Anglo-Saxon" xuất bản năm 2019.
Mời độc giả xem video: Loạt kho báu mất tích bí ẩn khiến “thợ săn” nhận “kết đắng”.