Phơi nắng
Nhiều người cho rằng, thời tiết lạnh, các loài biến nhiệt (nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường) sẽ phải đi trú đông. Nhưng thỉnh thoảng trong suốt mùa lạnh, chúng ta sẽ giật mình bắt gặp giun xuất hiện quanh nhà, rắn, thằn lằn trườn lên mặt đất.
Theo GS Bùi Công Hiển, giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, hiện tượng này rất dễ giải thích. Thông thường, vào mùa lạnh, các loài động vật biến nhiệt như rắn, thằn lằn… sẽ hoạt động rất ít bởi nhiệt độ cơ thể tăng giảm theo nhiệt độ môi trường, rất khác với động vật “máu nóng” hay động vật đẳng nhiệt, tức nhiệt độ cơ thể luôn ổn định ở mức nào đó.
Do vậy vào mùa đông, về lý thuyết, các loài biến nhiệt sẽ đi trú đông bằng cách ẩn nấp sâu trong đất, trong khe kẽ, hang hốc…, thậm chí có những loài còn ngừng sinh sản trong mùa đông mà khoa học gọi là hiện tượng đình dục.
Tuy nhiên, vào mùa đông, xen kẽ những đợt không khí lạnh sẽ có những ngày ấm, thậm chí là có nắng, thời tiết oi bức. Khi thời tiết bất ngờ thay đổi đột ngột, các loài biến nhiệt thường phải “ngoi” lên mặt đất để lấy ô xy, hoặc hít thở không khí. Đây chính là lý do mà vào những ngày có nắng giữa mùa đông chúng ta bắt gặp rắn, trăn, thằn lằn trườn ra những chỗ có nắng để sưởi ấm, phơi nắng. Hiện tượng này là bình thường, phản ánh sự thích nghi của loài với môi trường sống.
GS Bùi Công Hiển cho biết thêm, khi bất ngờ gặp những loài này giữa mùa đông, chúng ta hãy bình tĩnh, bởi những loài này vẫn thường xuất hiện quanh ta trong cuộc sống hàng ngày. “Người dân không nên lo lắng hay hoảng sợ khi bất ngờ thấy vài con rắn nằm ườn phơi nắng trước cổng nhà, hoặc thấy một đám giun bò nhổm nhổm quanh vườn hay một vài con rết bò trên tường nhà”, GS.TS Bùi Công Hiển khuyến cáo.
Với những hiện tượng này, việc xử lý rất đơn giản. Ví dụ đối với giun vốn là loài rất “lành” với con người, thậm chí còn tốt cho đất, chúng ta chỉ cần dùng chổi quét, gom lại rồi chôn xuống đất. Đối với các loài như rết, bọ cạp, cuống chiếu… những loài này chứa độc tố có thể gây ngứa, lở loét nếu chúng ta vô tình quệt phải chúng; tuy nhiên những loài này khi xuất hiện mật độ thường không nhiều, vì thế có thể xử lý bằng biện pháp cơ học như đeo găng tay để bắt, hoặc dùng vật gì đó để đập sau đó nhúng vào nước sôi…
GS.TS Bùi Công Hiển: Rệp giường là loài côn trùng thuộc bộ bọ xít, thường sống tại những nơi khó thấy như trong gối, đệm, chiếu, giường, ghế sofa, khe giường, khe tủ, kẽ hở sàn gỗ, thậm chí là ẩn nấp cả ở trong quần áo… Sau khi rệp hút máu, vị trí vết hút thường bị tấy đỏ dưới da. Đặc biệt, rệp giường thường hoạt động mạnh vào ban đêm gây ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Tạo không gian sống sạch sẽ
Giống với bò sát, côn trùng cũng là loài biến nhiệt, nên vào mùa rét, chúng ít xuất hiện, thậm chí, ở các nước ôn đới có mùa đông dài và nhiệt độ thấp dưới O độ C, côn trùng ngoài tự nhiên đều “trú đông” ở trạng thái diapause (đình dục). Ở nước ta, trong mùa đông vẫn có những ngày nắng ấm, nên hiện tượng qua đông không rõ rệt (đa phần côn trùng ở giai đoạn trước trưởng thành, sống trong đất, trong thân cây)….
Hơn thế, côn trùng có một nhóm thuộc loại côn trùng gần người như kiến, gián, ruồi, thậm chí là rệp giường (Cimex lectularius), nghĩa là chúng sống trong nhà. Môi trường trong nhà thường ấm áp nên chúng gần như phát triển quanh năm. Theo GS.TS Bùi Công Hiển, đây là quy luật tự nhiên, bởi những loài này đã tiến hóa thích nghi với môi trường có người.
Tùy từng đối tượng để có cách xử lý cụ thể, ví dụ gián, kiến có thể sử dụng bả diệt kiến, bả diệt gián, với ruồi nếu ít thì xua, bắt, nếu nhiều thì dùng bẫy dính.
Để phòng tránh ruồi, gián, kiến, rệp giường…, tốt nhất là tạo ra không gian sạch sẽ bằng cách thường xuyên vệ sinh trong, ngoài nhà, đặc biệt là không gian căn bếp để triệt nguồn thức ăn và không gian sống của ruồi, gián, kiến.. Có thể dùng cồn, nước sát trùng lau những nơi kiến, gián thường trú ngụ (khe kẽ, sau tủ bếp…). Để phòng trừ rệp giường, hãy giặt giũ chăn ga, gối đệm thường xuyên hay phơi chúng ngoài nắng.