Không ai kinh doanh để nộp 100% lợi nhuận của mình
Tổng cục Thuế vừa đưa ra con số giật mình: trên cả nước có đến 581.700 hộ dù có địa điểm kinh doanh nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế. Sắp tới, ngành thuế sẽ đưa vào "tầm ngắm", dự định thu thuế của quán cóc, vỉa hè, xe ôm... Thông tin này gây nhiều tranh cãi trái chiều. Quan điểm của ông thế nào?
Về một mặt nào đó theo tôi có thể thông cảm và thấy được tính hợp lý của đề xuất này. Thứ nhất, bởi theo Luật Doanh nghiệp (2000 và 2005), đơn vị kinh doanh nào sử dụng quá 10 người lao động thì phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng cả đến trăm lao động nhưng vẫn được chính quyền cấp phường, cấp quận chấp nhận là hộ kinh doanh cá thể.
Ví dụ theo tôi được biết, ở nơi sản xuất gỗ xuất khẩu Đồng Kỵ, tôi không muốn nêu tên, nhưng có doanh nghiệp xuất khẩu lên tới 150 tỷ VNĐ, công nhân mấy trăm người. Tuy nhiên, họ vẫn bảo rằng họ chỉ là kinh doanh cá thể. Thì như vậy, cần phải tạo ra sự công bằng trong việc thu thuế là điều nên ủng hộ.
Thứ hai, ngành tài chính ngành thuế hiện nay chịu sức ép với các hiệp định thương mại tự do (FTAs). Thuế từ nguồn hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm xuống từ 5 đến 0% theo cam kết với các nước. Thuế thu từ nhập khẩu sẽ giảm đi một cách mạnh mẽ. Cho nên, ngành thuế sẽ tìm mọi cách để tăng được nguồn thu, bù đắp sự giảm sút nguồn thu này.
TS Lê Đăng Doanh. |
Vậy theo ông, vì sao người dân lại phản ứng mạnh mẽ?
Trong kinh tế có khái niệm gọi là đường cong Laffer. Theo đó, nếu không đánh thuế thì thuế thu được là 0%. Nhưng nếu thu 100% lợi nhuận thì không ai dại làm để cho anh đánh thuế.
Thuế thu được nhiều nhất là thuế cho phép người kinh doanh có được một thu nhập đủ khuyến khích người dân kinh doanh. Nếu như anh đánh thuế cao quá thì người ta sẽ trốn thuế hoặc là không làm nữa.
Ví dụ, bà bún riêu, bún ốc ở đầu phố thì chúng ta đều biết họ đã phải trả một phí cho một người của cơ quan nào đấy. Bây giờ lại thêm một thuế nữa liệu bà có sống được không? Nếu bà không sống được thì bà sẽ tìm cách giảm chất lượng sản phẩm của mình, hoặc chạy đi chỗ khác. Khi bị bắt đóng thuế, thì bà ấy sẽ khai một doanh số rất là thảm hại.
Cho nên việc thu thuế của các thế hộ kinh doanh cá thể, nhất là thu thuế của quán cóc, vỉa hè, của cả từ ông xe ôm, bà bún riêu, bún ốc ở đầu phố theo tôi cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách thận trọng.
Phải tính xem thu nhập có đáng nộp thuế không?
Theo ngành thuế, những hộ cũng phải có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế. Con số này liệu có thuyết phục cho lý do thu thuế hay không?
Cứ cho là thu nhập 100 triệu một năm, nhưng phải tính toán xem, tôi cứ tạm tính là 300 ngày thôi thì một ngày thu nhập của người ta là bao nhiêu. Trên cơ sở đó xem tỷ lệ lợi nhuận thế nào, từ đó mới có thể biết việc thu như vậy có khả thi không, xem kinh doanh của họ có đáng nộp thuế không.
Ví dụ, một bà bán bún riêu đầu ngõ, phải nuôi chồng tàn tật, con đang ăn học, thì có đáng thu hay không.
Về nguyên tắc đã kinh doanh thì đều phải đều phải có đóng góp, nhưng như tôi đã nói, nếu thu nhiều quá thì sẽ khiến người ta chán nản, không tạo công ăn việc làm, không còn động lực kinh doanh nữa thì thuế thu sẽ giảm.
Hơn nữa, định thu thuế của quán cóc, vỉa hè, xe ôm, nhưng những đơn vị này kinh doanh thường không có địa chỉ cụ thể. Có thể hôm nay tôi kinh doanh, ngày mai tôi không, thì làm sao mà biết được nguồn thu nhập của họ mà thu.
Có phải, ông đang nói tới tính khả thi của đề xuất này?
Tôi lấy ví dụ, như muốn đánh thuế ông xe ôm, nhưng ông bảo tôi chỉ chạy ngày lẻ thôi, ngày chẵn tôi không chạy thì lấy gì chứng minh được. Nếu muốn quản lý được, thì lại phải gắn cái chip để theo dõi, dùng công nghệ thông tin. Nhưng chi phí bỏ ra để gắn chip với số thuế thu lại được có đáng hay không? Nếu bỏ ra một chi phí quá nhiều để thu lại một khoản thu quá ít thì ngành thuế cũng cần phải tính toán.
Cũng có ý kiến là giao cho cán bộ quản lý thuế?
Kinh nghiệm ở các nước, nếu giao cho cán bộ quản lý thuế thì thường hai bên nộp thuế và người thu thuế thương lượng với nhau, chỉ có ngân sách là thiệt, chứ còn cả hai bên đều được lợi.
Phải phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Vậy ở các nước, họ làm như thế nào, thưa ông?
Ở nước ngoài, ví dụ như Đức, Pháp, khi anh đăng ký một ngành kinh doanh, ngành thuế đến chào hỏi anh rất vui vẻ và tặng anh luôn một cái máy để thanh toán tiền, kết nối với cơ quan thuế. Mỗi một đồng anh thu được của khách thì đều có biên lai, và đó là cơ sở để anh phải nộp thuế, không chạy đi đâu được.
Nhưng để làm được điều đó, cần phải có công nghệ. Trong khi hiện chúng ta vẫn sử dụng chủ yếu là tiền mặt, liệu có phải là cản trở?
Ở nước ngoài, thanh toán bằng thẻ là phổ biến. Chỉ có trẻ con là dùng tiền mặt thôi, còn người lớn chủ yếu là dùng thẻ. Chúng ta cần phải xem xét tới điều này, trong tương lai không xa, chúng ta phải phát triển việc thanh toán không dùng tiền mặt. Trên cơ sở đó, ta sẽ tạo được lịch sử kiểm soát dòng tiền tốt hơn và tạo sự công bằng nhất định từ việc thu thuế.
Trong hoàn cảnh hiện nay, để đảm bảo được sự công bằng, mà lại không tận thu thuế của những người không đáng thu, theo ông có giải pháp gì?
Tôi cho rằng chủ trương này không dễ có thể thực thi. Nếu vẫn muốn làm thì nên có những thí điểm. Ví dụ, với những nơi có địa điểm kinh doanh cố định, thì ngành thuế có thể phát cho họ cái máy thu tiền, yêu cầu họ phải thanh toán qua máy đó.
Còn đối với các hộ kinh doanh xe ôm hay là bán vỉa hè, quán cóc thì chúng ta phải thí điểm các biện pháp xử lý hiệu quả. Giả sử giao cho cán bộ quản lý thuế thì lại phải có biện pháp quản lý cái người quản lý thuế đó, tránh việc hai bên thương lượng với nhau thì việc thu chỉ có tính chất tượng trưng và không có hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019.
Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả rà soát của cơ quan thuế cho thấy, số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ.
Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế. Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…).