Khử độc thực phẩm bằng máy sục ozon
Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Phượng (số 28, đường 4B, tổ 1 Đông Nam, Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ: “Cách đây mấy năm, tôi cùng nhiều gia đình trong khu phố mua máy sục ozon về để khử độc rau quả, thực phẩm. Ban đầu mọi người rất hào hứng sử dụng vì nghĩ rằng đây là giải pháp hữu hiệu. Sau một thời gian sử dụng thì lại thấy nó không mấy hiệu quả.
Rồi sau đó, có người đọc thông tin trên mạng rằng sử dụng máy sục ozon cũng không tốt cho sức khỏe, thậm chí là bị bệnh ung thư. Thế là lần lượt các gia đình “vứt xó” chiếc máy sục mua mất mấy triệu bạc.
Tôi xin được hỏi các chuyên gia, có nên dùng máy sục ozon để khử độc thực phẩm hay không? Nếu dùng thì nên sử dụng như thế nào là tốt nhất, tránh sự lãng phí vì đã trót mua máy rồi”.
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, máy sục ozon dựa trên nguyên lý khá đơn giản để khử độc tố của thuốc trừ sâu, kháng sinh, các chất hóa học độc hại cho sức khỏe con người. Về nguyên lý, đúng là máy có thể làm được điều này, nhưng ứng dụng trên thực tế lại là chuyện khác.
Nếu thử nghiệm trong nước cất có thành phần thuốc trừ sâu, kháng sinh, cho máy sục ozon vào để sục thì sẽ cho kết quả rất khả quan. Máy sục ozon sẽ làm oxy hóa các hóa chất này để làm chúng trở thành CO2 và nước. Nghĩa là nếu cần khử độc trong nước, với hàm lượng nhỏ bị nhiễm thuốc trừ sâu, kháng sinh, thì dùng máy sục ozon là có hiệu quả.
“Nhưng đối với thực phẩm thì khác. Thịt, cá, rau củ quả ngâm vào trong nước, các chất hữu cơ có trong thực phẩm phôi ra nước với lượng lớn hơn gấp hàng triệu lần thuốc trừ sâu, kháng sinh, hóa chất. Do đó, khi dùng máy sục ozon, xác xuất để ozon gặp và xử lý được hóa chất là cực kỳ thấp, mà khi gặp các chất hữu cơ phôi ra từ thực phẩm, chúng sẽ phân hủy các chất này.
Tuy nhiên, do lượng chất hữu cơ này quá lớn, mà lượng ozon lại có hạn, nên chúng sẽ không thể phân hủy đến cùng. Kết quả là sẽ hình thành các hợp chất trung gian. Tùy thuộc vào các chất có trong thực phẩm là gì mà các hợp chất trung gian hình thành sẽ là gì. Đó có thể là hợp chất vô hại, song cũng có thể là các chất độc, thậm chí là chất gây ung thư”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Tận dụng máy đã mua
Do đó, việc dùng máy sục ozon để khử độc thực phẩm là sai lầm, dễ tạo ra những chất có hại với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu đã mua máy sục ozon thì cũng không nên vứt xó mà có thể tận dụng nguyên lý của nó để làm sạch thực phẩm. PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, do máy sục ozon chỉ làm sạch được chất độc có trong nước, nên có thể sử dụng để khử độc những loại quả da trơn như quả táo, lê, mận, dưa…
Các loại trái cây này khi ngâm vào nước không phôi nhựa hay các chất hữu cơ ra nước, nên nếu có thành phần thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, thì máy sục ozon có thể có tác dụng làm sạch. Ngoài ra, nếu cần xử lý nước sinh hoạt do nghi ngờ nhiễm bẩn của độc chất thì cũng có thể dụng máy sục ozon, nhưng chỉ ở hàm lượng nhỏ.
“Tuyệt đối không nên dùng máy sục ozon để khử độc thịt, cá, rau dưa… để tránh các nguy cơ có hại cho sức khỏe. Nếu nghi ngờ thực phẩm nhiễm độc của hóa chất, thuốc trừ sâu, kháng sinh thì nên bỏ đi, càng không nên dùng máy sục ozon để xử lý vì nếu dùng máy trong trường hợp đó, có thể sinh ra các hợp chất còn độc hại hơn so với chất độc ban đầu.
Với những người có ý định mua máy sục ozon với hy vọng trên thì không nên, còn người đã trót mua máy rồi thì có thể tận dụng để sử dụng trong một vài trường hợp”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, ngoài ra, có thể tận dụng máy để làm sạch với những thực phẩm đã sơ chế sạch, rửa sạch dưới vòi nước nhưng vẫn còn nghi ngờ tồn dư chất độc hại.
Bảo Khánh