Màn tái sinh ngoạn mục
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) vốn được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh đề xuất vào từ tháng 12/2009 với tổng mức đầu tư hơn 8.800 tỷ đồng.
Thời điểm đầu, quỹ đất đối ứng dự án này lên đến 441,26ha, trải dài trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.
Ngay sau đó, ngày 24/3/2010, Hội đồng quản trị Tổng Công ty Sông Đà đã ban hành Quyết định thành lập Công ty CP BOT Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Đến ngày 30/6/2010, Tổng Công ty Sông Đà đổi tên công ty thành Công ty CP Sông Đà Hà Nội như hiện nay.
Ngay từ khi thành lập Công ty CP Sông Đà đã gặp phải những khó khăn, do đó từ ngày 01/01/2013, dự án đã phải tạm dừng thực hiện, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tập hợp cho dự án từ thời điểm thành lập Công ty đến hết năm 2012 là hơn 9 tỷ đồng.
Về phía UBND TP Hà Nội, vào năm 2013, sau một cuộc “đại rà soát” các dự án BT, Chủ tịch UBND TP khi ấy - ông Nguyễn Thế Thảo - đã có văn bản yêu cầu Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai dừng triển khai theo hình thức hợp đồng BT. Quỹ đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư phải giao lại cho các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện các thủ tục, chuẩn bị điều kiện để thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định, tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng theo kế hoạch.
Tập đoàn Lã Vọng với nhiều dự án lớn tại Hà Nội. |
Chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Thảo, như vậy, là khá cương quyết. Nhưng lạ lùng là việc xử lý lại không như chỉ đạo. Sau 03 năm, dự án nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai được tái khởi động trở lại, vẫn trong hình thức dự án BT, và thậm chí có những thay đổi nội tại về nhà đầu tư.
Ngày 11/01/2016, Hội đồng thành viên Tổng Công ty Sông Đà đã có Nghị quyết cho phép tạm dừng triển khai thực hiện dự án quốc lộ 6 để tìm đối tác hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án thu hồi vốn. Ngày 21/10/2016, Công ty CP Sông Đà Hà Nội ban hành Nghị quyết có nội dung thông qua phương án hợp tác đầu tư thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6.
Đến ngày 6/12/2016, dự án chính thức được tiếp tục triển khai, khi được HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục các dự án trọng điểm của thành phố. Quá trình làm sống lại dự án đã diễn ra thuận lợi, cụ thể là chỉ trong vòng 01 năm.
Đối tác giúp Công ty CP Sông Đà Hà Nội tái sinh thành công dự án này, là các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Lã Vọng.
Dự án của Lã Vọng tại Quốc Oai, Hà Nội. |
“Phớt lờ” chỉ đạo của Thủ tướng
Kể từ khi có sự hợp tác này, dự án nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã được triển khai với tốc độ nhanh. Tháng 2/2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho phép Liên danh Công ty CP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - Công ty TNHH MTV (UDIC), Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới, và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất Dự án.
Với sự chấp thuận quan trọng trên, liên danh các nhà đầu tư này đã thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư Louis Group.
Đến ngày 24/6/2017, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định Công ty CP Đầu tư Louis Group đàm phán trực tiếp hợp đồng Dự án. Ngày 28/7/2017 Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các Bộ chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo thực hiện dự án.
Như vậy, tới đây việc tái khởi động dự án quốc lộ 6 có rất nhiều thuận lợi lớn về chủ trương. Và Công ty Louis đã chính thức được chỉ định là nhà đầu tư thực hiện dự án BT có chiều dài 20,9km này, tổng vốn đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng, quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư này cũng được xác định lại gồm 39 ô đất, diện tích khoảng 343ha.
Bản chất Công ty Louis chủ đầu tư dự án BT này là công ty con của Tập đoàn Lã Vọng, bởi trong số 04 cổ đông sáng lập, thì 02 cổ đông là thành viên của Tập đoàn Lã Vọng (Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An).
Cụ thể hơn, Công ty Louis đăng ký kinh doanh vào ngày 9/3/2017, ngay sau khi được TP Hà Nội chấp thuận chủ trương, và có vốn điều lệ là 675 tỷ đồng.
Thời điểm đó, trong 4 cổ đông sáng lập của Louis Group thì Công ty Sông Đà Hà Nội chỉ góp vào vỏn vẹn 2,7% vốn điều lệ, UDIC đóng góp 20%, còn lại số vốn góp phần lớn thuộc về Công ty Thương mại Ngôi nhà mới 45% và Đại An chiếm 32,2% vốn điều lệ. Như vậy, nhóm cổ đông thuộc Tập đoàn Lã Vọng chiếm trên 77% vốn điều lệ tại Công ty Louis.
Tuy nhiên chỉ sau đó 4 tháng, ngay tháng 7/2017 tỷ lệ vốn góp lại thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ góp vốn 02 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Lã Vọng. Cụ thể, Công ty Sông Đà Hà Nội chỉ còn nắm giữ 0,104% vốn điều lệ, UDIC còn 10%. Trong khi đó, tỷ lệ vốn góp của Công ty Đại An được nâng lên với mức 46,3% vốn điều lệ, còn Công ty Ngôi nhà mới là 43,5% khiến nhóm cổ đông Lã Vọng chiếm tổng số gần 90% vốn điều lệ.
Như vậy, việc "mượn" được danh các doanh nghiệp từng là, hoặc đang là doanh nghiệp nhà nước đã giúp Tập đoàn Lã Vọng thâu tóm dự án BT nâng cấp quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai. Tương ứng với đó, sau khi Lã Vọng thâu tóm thành công, Công ty "họ" Sông Đà Hà Nội dần rút lui khỏi dự án.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và chính thức có kết luận về dự án này, cho rằng việc chỉ định Công ty Louis thực hiện dự án là vi phạm quy định về đấu thầu dự án. Đặc biệt, TP Hà Nội cũng phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng, không tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành về việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó, Sở KH&ĐT - Cơ quan tham mưu cho UBND thành phố - lại căn cứ vào danh mục các ô đất theo đề xuất của Công ty Louis để trình TP quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.