Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu Trưởng khoa Vật lý Trị liệu Bệnh viện Quân Đội TW 108, hương ngải cứu hay còn gọi là nhang ngải cứu, là loại nhang được làm từ ngải cứu phơi khô, tán nhỏ lấy phần lông trắng, phần lông đó được gọi là ngải nhung, dùng ngải nhung để chữa nhiều căn bệnh thường gặp trong cuộc sống.
Để hương ngải cứu có thể chữa được bệnh cần đốt lửa, truyền nhiệt vào các vị trí huyệt đạo, làm tan máu bầm, giảm đau, giảm sưng. Đông y dùng hương ngải cứu chữa các bệnh về xương khớp; các bệnh liên quan đến phổi như tức ngực, khó thở, hụt hơi; chữa đau vai gáy, đau cánh tay; và nhiều chứng bệnh khác.
Dùng hương ngải hơ nóng các huyệt đạo để chữa bệnh.
Cứu ngải là một phương pháp điều trị đã được lưu truyền lâu đời trong dân gian. Bản chất là dùng sức nóng và hơi thuốc của nhang (hương) ngải tác động lên huyệt để kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể nhằm mục đích phòng và trị bệnh. Cứu ngải thường được chỉ định để điều trị các chứng bệnh thuộc thể “Hàn” (bệnh do nhiễm lạnh, theo Đông y) như là huyết áp thấp, tiêu chảy kèm theo có nôn mửa, tay chân lạnh, tình trạng đau nhức khi gặp thời tiết lạnh…
Có hai cách dùng cứu ngải là điếu ngải và mồi ngải. Điếu ngải là cuốn ngải cứu thành điếu, đốt đầu điếu rồi hơ lên huyệt ở khoảng cách 2 cm cho đến khi thấy nóng ấm dễ chịu là được. Mồi ngải là những viên lá ngải cứu được vo nhỏ đặt lên vị trí huyệt (có thể đặt trên một lát gừng mỏng xuống dưới, gọi là cứu gián tiếp) rồi đốt cháy cho đến 1/2 hoặc 2/3 thì thay mồi ngải khác, đến khi chỗ cứu cảm thấy ấm nóng và có quầng đỏ là được.
Có 4 cách cứu ngải. Cứu ấm: Hơ điếu ngải trên huyệt cho đến khi bệnh nhân cảm thấy ấm và dễ chịu. Cứu mổ cò: Đưa ngải cứu để gần sát da, khi bệnh nhân cảm thấy nóng thì đưa lên. Cứu xoay tròn: Để điếu ngải ở gần huyệt, khi cảm thấy đủ ẩm thì di chuyển xung quanh huyệt theo vòng tròn. Cứu nóng: Đưa điếu ngải lại gần da và rà tìm điểm nóng rát, khi nào thấy nóng rát như bỏng thì nhấc lên. Hệ thống huyệt vị sử dụng trong cứu ngải cơ bản giống như trong châm cứu nói chung.
Cứu ngải không được áp dụng cho các bệnh lý thể “nhiệt” và có thể gây bỏng da vùng cứu nếu làm không đúng cách, vì vậy cần hết sức chú ý khi thực hiện ở những vùng có liên quan đến thẩm mỹ (mặt) hoặc ở gần các khớp, vì có thể bị bỏng gây ra sẹo xấu hay sẹo co rút. Nếu không thật sự chắc chắn về kỹ thuật thì tốt nhất là nên đến các cơ sở y học dân tộc để được hướng dẫn và điều trị.
Đức Vinh