Đó là sáng tạo làm tấm pin năng lượng mặt trời hữu cơ theo phương pháp nhuộm (dye solar cells) của Phan Đình Long Nhật, 18 tuổi, sinh viên năm nhất, ngành Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cùng một số sinh viên năm cuối của trường.
Nhật cho biết, năng lượng mặt trời cùng với những năng lượng tái tạo khác đang là xu thế của thế giới. Tuy nhiên, pin năng lượng mặt trời bình thường làm bằng chất vô cơ silic, quá trình để làm ra silic sẽ sinh ra CO2, CFC (góp phần gây thủng tầng ozon). Và sau quá trình sử dụng 20 - 30 năm, những tấm pin mặt trời này bị hỏng thì không thể tái chế do đó sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường. Vì vậy phải làm sao để tấm pin này cũng thân thiện môi trường, dễ chế tạo, tái chế hơn để năng lượng mặt trời xanh hơn.
Với sự hỗ trợ từ các thầy cô khoa khoa học vật liệu và điện - điện tử, kết hợp với lợi thế giỏi tiếng Anh giúp Nhật không khó để tìm hiểu đa dạng tài liệu về pin mặt trời hữu cơ của Đức, Nga, Nhật, Hàn Quốc… Từ đó, Nhật chọn lớp nhuộm là nước ép củ nghệ, trái dâu tây hoặc lá mâm xôi bởi cấu trúc của 3 loại màu này có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao nhất.