Đừng lấy sức khỏe trẻ làm trò vui
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, các gia đình gặp gỡ, giao lưu và chúc tụng nhau một năm mới may mắn, an lành. Và, trong những cuộc nhậu, một số em nhỏ thường được người lớn cho uống thử một vài ngụm rượu, bia và tỏ ra thích thú khi các em phản ứng với loại đồ uống có cồn này. Với những trẻ trong độ tuổi vị thành niên, Tết đến là thời điểm các em vui chơi nhiều hơn, một số em còn sử dụng rượu bia để “chứng tỏ bản thân” với bạn bè. Với suy nghĩ uống cho vui, thử một tí cho biết, luyện rượu bia sớm còn đi ngoại giao… nhiều người lớn đang vô tình hủy hoại sức khỏe con mình.
BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ Bộ Y tế cho rằng, các bậc phụ huynh không cho trẻ sử dụng rượu bia. Bởi, nói ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung. Đồng thời, rượu bia gây ảnh hưởng đến năng lực tư duy và khả năng học tập của trẻ. Việc cho trẻ uống thử rượu bia của người lớn là một trong những thói quen không hề tốt cho sức khoẻ. Khi chức năng chuyển hoá trong cơ thể trẻ còn quá yếu, việc uống rượu, bia sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.
Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, nếu cho trẻ sử dụng rượu bia một vài lần sẽ trở thành thói quen và biến chúng thành “con nghiện”. Chúng sẽ chủ động tìm đến loại thức uống có cồn này mọi lúc, mọi nơi như một thói quen. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ sử dụng phải loại rượu giả, không rõ nguồn gốc có chứa cồn công nghiệp… sẽ bị ngộ độc, ảnh hưởng tới thần kinh, mắt… Do đó, các bậc phụ huynh hay người lớn không nên cho trẻ uống rượu bia dù chỉ một ngụm nhỏ. Bởi sử dụng rượu bia khi còn quá nhỏ, các bộ phận trên cơ thể chưa phát triển hoàn toàn sẽ gây ra những bệnh về gan, thận, dạ dày, thần kinh.
“Nhiều người rất buồn cười là thấy trẻ say, nằm lả ra ngủ lại cười ha hả làm trò vui thích lắm. Thấy trẻ nhăn mặt khi uống rượu, bia lại khuyến khích uống tiếp cho vui. Xin đừng hại trẻ bằng những trò vui ấy”, BS Hoàng Xuân Đại khuyến cáo.
Thần kinh, ruột, hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng
Tác hại của rượu bia đến trẻ em như thế nào? BS Hoàng Xuân Đại cho biết, dạ dày, ruột của trẻ con rất non nớt, hệ thần kinh cũng nhạy cảm, dễ bị tác động bởi các chất kích thích. Chỉ một chút rượu, bia cũng có thể làm trẻ bị tác động. Dần dần, nếu hình thành thói quen uống rượu bia thì vô tình bạn đang tiếp tay để biến trẻ thành kẻ nghiện rượu từ sớm.
Rượu bia sẽ tàn phá hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, làm trẻ chậm phát triển, chậm tư duy, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe sau này. Rượu bia cũng giống các chất kích thích khác, ban đầu là sử dụng một tí, quen dần thì liều lượng sẽ ngày càng tăng. Do đó, đừng suy nghĩ rằng uống một tí sẽ không sao đâu, hay nghĩ rằng rượu bia một chút cũng tốt cho hệ tiêu hóa. Điều này là hoàn toàn phản khoa học.
Theo BS Hoàng Xuân Đại, không chỉ rượu, bia, mà ngay cả chè, cà phê hay các chất kích thích khác cũng không được cho trẻ uống. Nhất là ngày Tết, người lớn thường hay chiều theo ý thích của trẻ, thử những đồ ăn mới, lạ, uống những đồ uống của người lớn. Bất cứ loại đồ ăn, uống nào có chất kích thích cũng không nên để trẻ tiếp xúc.
Đáng lưu ý nữa là các loại nước ngọt đóng chai. Cần phải kiểm soát trẻ, không được cho trẻ uống vô tội vạ các loại nước này, tránh tình trạng sức khỏe giảm sút sau một đợt dài nghỉ lễ. Nguy hiểm hơn là trẻ sẽ hình thành thói quen, sở thích uống các loại nước này vào ngày thường. Dần dần thành “nghiện” sẽ rất khó cai.
“Việc kiểm soát ăn uống của trẻ trong những ngày Tết là việc rất quan trọng, đừng vì vui, vì là Tết mà để trẻ phải hứng chịu những nguy cơ cho sức khỏe. Có người bảo rượu vang tốt cho sức khỏe nên cho trẻ uống rượu vang thoải mái, cũng rất thiếu căn cứ khoa học. Rượu vang cũng có nồng độ cồn nhất định, trẻ em không được uống”, BS Hoàng Xuân Đại.