Hỏi: Dịp Tết, trẻ con nhà tôi uống rất nhiều nước ngọt có gas. Xin hỏi tác hại của nước ngọt có gas thế nào, vì sao đa phần trẻ lại rất thích uống?
Lê Ngọc Hà (Hà Nội)
TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng: Nước ngọt có gas thành phần chính (hơn 90%) là nước bão hòa CO2 (carbonate water), thành phần đứng thứ 2 là đường (7-12%). Ngoài ra có chứa các thành phần khác như caffein, màu thực phẩm, hương liệu… Các nghiên cứu cho thấy lạm dụng nước ngọt có gas có thể gây thiếu canxi. Nước ngọt có ga có chứa rất nhiều phosphor. Cả phospho và canxi đều là những khoáng chất rất cần thiết cho xương và răng chắc khỏe, tạo năng lượng và tăng cường sức mạnh cho cơ bắp.
Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều nước ngọt có ga chứa phosphor có thể dẫn đến tình trạng thừa phospho. Thừa phospho còn có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng các khoáng chất khác của cơ thể như sắt, canxi, magie và kẽm. Phospho còn có thể kết hợp với canxi gây tích lũy các khoáng chất trong các bó cơ. Ngoài ra, quá nhiều phospho có thể gây ngộ độc, dẫn đến tiêu chảy, xơ cứng các cơ quan và mô mềm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về xương, thận và tim mạch.
Trẻ em trong giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì lại là lứa tuổi đang cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Do vậy, uống quá nhiều nước ngọt có gas có thể gây nguy cơ thừa cân béo phì, thiếu vitamin khoáng chất, cũng như thừa phospho, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Lời khuyên là trẻ em dưới 2 tuổi không nên uống nước ngọt có gas, trẻ em không nên uống quá 200ml/ngày, người lớn không nên uống quá 3 lon/tuần. Tốt nhất là sử dụng các loại nước uống khác thay thế, an toàn cho sức khỏe và cũng đỡ tốn kém hơn.
Hồng Anh