Đừng “bỏ quên” bình nước nóng

Nhiều vụ việc cháy, nổ bình nước nóng xảy ra chủ yếu vì thói quen không bảo dưỡng định kỳ bình nước nóng của các gia đình. Đa phần sử dụng theo kiểu “nước vẫn nóng thì không sao cả”, nhưng thực tế, que đốt và dây dẫn điện bị oxy hóa, hỏng dần theo thời gian.

Nên kiểm tra bình nước nóng định kỳ 6 tháng/lần.

Bình nóng lạnh phát nổ

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Tây Hồ, Hà Nội) vừa chia sẻ những hình ảnh về chiếc bình nóng lạnh bốc cháy ngùn ngụt trong phòng tắm của gia đình trên trang facebook cá nhân của mình khiến không ít người xem rùng mình. Anh Tùng cho hay: “Vào ngày 2/1 tôi có bật bình nóng lạnh để chuẩn bị tắm cho con trai.

Tuy nhiên, một lát sau tôi nghe thấy tiếng nổ be bé. Ban đầu tôi nghĩ là có chuột trong nhà tắm nên không để ý, thế nhưng một lát sau quay vào thì tôi thấy bình nóng lạnh bốc cháy và phát nổ. Tôi vội vàng ngắt cầu dao điện và lấy nước để dập lửa”.

Chia sẻ với KH&ĐS, anh Tùng cho biết chiếc bình nóng lạnh này đã cũ, được gia đình sử dụng khoảng 8 năm nay. Do bình thường sử dụng không gặp vấn đề gì, cứ bật công tắc lên là nước nóng, nên anh cũng không để ý đến việc phải kiểm tra, bảo dưỡng.

Tình trạng bình nước nóng bị rò rỉ điện dẫn đến chập, giật điện, thậm chí gây ra tử vong cũng đã xảy ra. Theo các chuyên gia, bình nước nóng sẽ chỉ an toàn nếu nó không bị “bỏ quên” mà phải được bảo dưỡng định kỳ.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, bình nước nóng bốc cháy là do hai nguyên nhân: Que đốt trong bình bị gỉ sét do lâu ngày các cặn nước bám vào xung quanh gây ra chập điện. Hai là dây dẫn vào bình nóng lạnh bị lão hóa, dẫn đến làm hở điện, chập, cháy.

Đây đều là do người sử dụng không kiểm tra thường xuyên, định kỳ, thậm chí sử dụng trong nhiều năm mà không kiểm tra mới dẫn đến tình trạng đó. Có trường hợp rơle hỏng, không tự ngắt được dẫn đến nước trong bình cứ nóng mãi, làm nổ cả bình, vỡ tung tóe ra nhà, rất nguy hiểm.

“Bình nước nóng cháy đùng đùng hay nổ bùm, đều có nguyên nhân là do không được kiểm tra, bảo dưỡng, để các linh kiện bên trong bị gỉ sét, xuống cấp, lão hóa, dẫn đến chập cháy. Đáng tiếc là đã có nhiều cảnh báo nhưng dường như người dân vẫn rất chủ quan, chỉ khi tai nạn xảy ra mới tá hỏa lên”, KS Nguyễn Huy Bạo cho biết.

Tự làm sạch bình nóng lạnh

Thông thường, bình nước nóng chỉ được sử dụng nhiều vào mùa đông. Vào mùa hè, gần như bình nước nóng bị “bỏ quên”, vậy bảo dưỡng bình nước nóng vào thời điểm nào, bao lâu thì phải bảo dưỡng một lần.

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, ít nhất là phải bảo dưỡng hàng năm, gọi thợ đến sục rửa bình, xem các chi tiết bên trong bình, cái nào cần thay thì phải thay mới đảm bảo an toàn. Trường hợp để nhiều năm không kiểm tra, nguy cơ xảy ra tai nạn, thậm chí là mất đi cả tính mạng, là rất lớn.

Vì nước đi vào trực tiếp trong bình nước nóng nên tùy thuộc vào nguồn nước mà có lịch bảo dưỡng bình đúng cách. Nếu nước bẩn, có nhiễm phèn thì bạn có thể vệ sinh và bảo dưỡng bình nước nóng sớm hơn so với vùng sử dụng nước sạch hơn. Trung bình là từ 6 tháng đến 1 năm. Trước khi vào mùa đông, tần suất sử dụng nhiều, thì nên kiểm tra bình.

Nếu không có điều kiện gọi thợ sửa chữa thì có thể tự kiểm tra, lau rửa bình bằng cách dùng vải mềm và nước ấm để lau máy, không nên dùng nước nóng, chất tẩy rửa có tính chất ăn mòn hay dung môi hóa học vì sẽ khiến bền mặt bình dễ bị ảnh hưởng, làm giảm độ bền của bình.

Sau khi ngắt điện, tháo rơ le điều chỉnh nhiệt, mở gioăng bình, xả nước, tháo ruột đun và vệ sinh, làn tan sạch cặn canxi bám vào que nhệt, súc sạch cặn vỏ bình cho đến khi nước trong.

Kiểm tra xem que đốt có bị mòn không, nếu đã bị mòn thì nên thay que mới. Bên trong bình nóng lạnh có que nhiệt, hay còn gọi là thanh magie có tác dụng thu cặn, vì thế, khi bảo dưỡng bình nóng lạnh, bạn nên thay thanh magie chính hãng để bình nóng lạnh chạy tốt hơn.

KS Nguyễn Huy Bạo cho biết, Hiện nay trên thị trường có bán các thanh gọi là magie, nhưng thực ra chỉ là thanh nhôm làm giả magie, không có tác dụng thu cặn trong bình, tốt nhất là phải mua hàng uy tín, chính hãng.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top