Làm việc phải đến tận nơi chứ đừng chỉ huy
Vừa bước chân vào nhà cô Nguyễn Thị Loan, tôi dễ dàng nhận ra một điều: Nhà cô rất gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp, tất cả mọi đồ vật trong nhà đều bóng sáng, không hề có bụi bám.
Sau khi xong “thủ tục” chào hỏi, giới thiệu, tôi và cô đã trò chuyện với nhau có vẻ rất hợp gu. Cô chia sẻ, trước đây cô là nhân viên quốc phòng ngành lương thực, gia đình cô sống ở Hà Nội. Sau giải phóng miền Nam (năm 1976), cô cùng gia đình chuyển vào sinh sống tại TPHCM, vào làm công tác hậu cần tại Bệnh viện Quân y 175 – Bộ Quốc phòng và nghỉ hưu sau 10 năm công tác. Cô sinh được hai người con gái, các chị đều đã có gia đình riêng và rất thành đạt.
Cô Nguyễn Thị Loan, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi phường 3, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu phố 2, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM đi thăm hỏi hội viên.
Cô năm nay 76 tuổi và là người rất cởi mở, thích giao tiếp và hay chuyện trò, thích quan tâm đến mọi người nhưng cũng rất thẳng tính. Cô là hội viên Hội Người cao tuổi phường 3, quận Gò Vấp ngay từ khi mới thành lập (năm 1999) và làm Chi Hội trưởng Chi Hội người cao tuổi khu phố 2.
Suy nghĩ của cô thật đơn giản, vào Hội để được thăm hỏi, trò chuyện và động viên nhau khi ốm đau, bởi niềm vui của cô khi về hưu là được giao lưu và thăm hỏi bạn bè. Do trước đây cô làm công tác hậu cần, chăm lo cuộc sống cho mọi người nên khi về hưu cô vẫn muốn tiếp tục được làm những công việc như vậy.
Theo cô, công tác Hội tuy bận nhưng mang lại cho mình rất nhiều niềm vui. Cô đến từng nhà hội viên để trao đổi công việc, phát thẻ cho hội viên… mọi người thường bảo cô sao không giao cho các tổ làm nhưng cô nghĩ “mình phải đi đến từng ngõ, vào từng nhà để còn thăm hỏi, chuyện trò với hội viên, nhờ vậy mình mới hiểu thêm về gia cảnh của họ, đừng bắt người khác làm khi mình đang làm được”, riêng việc chi quỹ Hội cô giao cho người khác phụ trách, cô bảo nếu mình vừa thu tiền, vừa chi tiền thì không hay” (cô cười).
Mọi hoạt động trong Hội như tổ chức đưa hội viên đi chơi, thăm hỏi, động viên hội viên khi ốm đau, tổ chức mừng thọ cho hội viên… cô đều lo đâu vào đó. Cứ mỗi đợt tổ chức mừng thọ cho hội viên (từ năm 2000 và cứ mỗi 5 năm 1 lần), cô đều lặn lội đi cả chục cây số để tìm mua những phần quà ưng ý về làm quà mừng thọ cho hội viên, tuy giá trị mỗi phẫn quà không lớn nhưng nó rất ý nghĩa. Cảm nhận được tấm lòng tận tụy của cô, các hội viên đều đón nhận những phần quà một cách trân trọng.
Ngoài việc chăm lo cho hội viên, cô còn dành thời gian tham gia công tác thiếu nhi trong phường, bởi cô thích quan tâm đến mọi người.
Cô Nguyễn Thị Loan (người đứng bên trái) đang phát quà trung thu cho các cháu thiếu phường 3, quận Gò Vấp.
Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta cho đi
Cuộc đời cô gắn liền với việc chăm lo cho mọi người. Cô chia sẻ, bình minh hằng ngày của cô là 4 giờ 30 sáng, sau 40 phút tập thể dục, cô tưới cây, lau nhà, nấu nước… cô bảo mỗi ngày phải uống đủ 2 lít nước để đảm bảo sức khoẻ.
Xong việc nhà, cô cầm chổi đi quét dọc con hẻm nhà cô thật sạch sẽ để đón ngày mới, cô xem việc quét dọn giống như tập thể dục, hơn nữa ra đường để được gặp và chào hỏi nhiều người. Ông đi qua, bà đi lại gặp và hỏi “bà quét đấy à?”, “hẻm này sạch quá!” là cô thấy vui vui, không cần gì hơn nữa. Làm việc gì tốt cho tập thể thì cô làm.
Quét đường xong, cô lặng lẽ đi tắt tất cả các bóng đèn trong hẻm. Theo cô, vừa sáng là mình phải tắt ngay để tiết kiệm điện, nếu tắt muộn sẽ rất lãng phí, cô thường nói đùa “mai mốt các vị không bầu tôi làm tổ trưởng thì tôi chuyển nghề sang công ty điện lực” (cô còn là Tổ trưởng Tổ dân phố 10).
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, cô dành 2 giờ đồng hồ để nghe thuyết pháp, cô làm theo lời phật dạy: Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta cho đi, bởi… cho đi chính là nhận lại! với cô Nguyễn Thị Loan, đơn giản chỉ là như vậy.
Thủy Nguyễn