Rủi ro rơi vào bất cứ ai
Sử dụng bình nóng lạnh để tắm, đặc biệt trong mùa đông, là thói quen của hầu hết các gia đình. Đã có không ít những tai nạn thương tâm do không tắt bình nóng lạnh khi tắm xảy ra, nhưng dường như vẫn có không ít người còn chủ quan, nghĩ rằng chuyện đó xảy ra ở tận đâu chứ không phải mình.
Bạn có tắt bình nước nóng trước khi tắm không? KH&ĐS làm một cuộc khảo sát nhỏ ở 10 hộ gia đình thì có đến 9 gia đình có câu trả lời là “không”.
Chị Hà Thị Phương, Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, bình nóng lạnh luôn có chế độ tự ngắt nên không cần phải tắt công tắc. Thậm chí nhà anh Phạm Hải Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) còn có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày, để bất cứ khi nào cần dùng nước nóng là có, đỡ bật đi bật lại.
TS Trần Văn Thịnh, nguyên trưởng bộ môn thiết bị điện, điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, mỗi bình nóng lạnh đều được trang bị rơle tự ngắt, với nhiệm vụ tự động cấp điện để điều chỉnh nhiệt độ nước trong bình, tự ngắt khi nước đủ nóng và bật khi nước nguội đến một mức nhiệt nhất định.
Rơle nhiệt hoạt động dựa trên cảm ứng nhiệt, khi nhiệt độ nước thấp thì dòng điện được đóng để cấp nhiệt cho nước, thường có đèn báo sáng lên khi bình hoạt động, và khi đủ nhiệt, ngắt điện đèn sẽ tắt. Rơle này không có chức năng chống điện rò ra nước.
Trong quá trình tắm và dùng nước nóng, nhiệt độ trong bình sẽ thay đổi. Hệ thống sẽ tự cảm biến và sẽ cấp điện lại cho bình để tiếp tục làm nóng nước, do vậy, khả năng người dùng bị điện giật khi vừa tắm vừa bật bình sẽ tăng cao.
Nhiều nguyên nhân khác làm tăng khả năng rò điện, khiến người dùng bị điện giật như: thanh cấp điện sau thời gian dài sử dụng bị bám cặn, hao mòn sẽ gây rò điện vào nước; dây điện lắp chung với ống dẫn nước dùng lâu có thể han gỉ, giòn cũng gây rò điện; gioăng cao su cách điện nối với dây mayso, vỏ bình, dây dẫn bị nứt sẽ dẫn điện...
Điều này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người tắm. Do đó, “rủi ro bị điện giật khi tắm mà không tắt công tắc điện sẽ có thể rơi vào bất cứ ai. Thiết bị điện càng rẻ thì càng dễ gặp rủi ro. Nhưng thiết bị đắt tiền cũng vẫn có rủi ro như thường”, TS Trần Văn Thịnh cho biết.
Dùng thiết bị chống rò điện
Khi sử dụng bình nóng lạnh, nếu người dùng mua dòng sản phẩm bình nóng lạnh cao cấp, chính hãng, đảm bảo chất lượng, đầy đủ thông số, an toàn trong tiêu dùng, được lắp đặt đúng quy trình thì vừa tắm vừa bật bình vẫn an toàn. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo người dùng không nên làm như vậy vì hiệu suất sử dụng và tuổi thọ của bình sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Hơn nữa, trong sản xuất đồ điện thì luôn có xác xuất lỗi. Đồ càng đắt tiền thì xác xuất càng nhỏ. Nhưng ai dám khẳng định xác xuất rủi ro đó không rơi vào mình?
Để phòng tránh rủi ro bị điện giật khi sử dụng bình nóng lạnh, theo TS Trần Văn Thịnh thì có thể sử dụng lắp đặt thêm thiết bị chống rò điện vào bình nóng lạnh để yên tâm hơn. Tuy nhiên ngay cả các thiết bị chống rò rỉ điện thì cũng có rủi ro với tỉ lệ nào đó. Do đó, cách an toàn nhất vẫn là tắt điện bình nóng lạnh trước khi sử dụng.
Hiện có thực tế nhiều gia đình để cho đẹp nhà tắm thì thiết kế bình nóng lạnh đóng kín. Điều này khá rủi ro nếu xảy ra sự cố như chập, cháy, người sử dụng không biết để ngắt nguồn điện.
“Khi sử dụng các thiết bị điện nói chung, ngoại trừ máy tính để bàn là bắt buộc phải vừa cắm điện vừa sử dụng. Còn lại các thiết bị khác như điện thoại, bình nóng lạnh… tuyệt đối không sử dụng khi đang cắm điện. Đây là nguyên tắc sử dụng điện an toàn, phòng tránh rủi ro. Đừng để đến khi phải trả giá rồi thì mới bắt đầu cẩn thận, mới nói câu biết thế”, TS Trần Văn Thịnh cho biết.
“Không ít người lầm tưởng rơle nhiệt là an toàn, khi đã ngắt là có thể tuyệt đối yên tâm, không cần rút phích cắm hay ngắt cầu dao, rất nguy hiểm”, TS Trần Văn Thịnh