Mù mắt vì bếp gas nổ
Ngày 18/1, bác sĩ Trần Hữu Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết bệnh viện vừa cấp cứu cho một nam thanh niên hỏng mắt, nát mũi vì bình gas mini phát nổ trong lúc đang nấu ăn. Bệnh nhân là P.V.H (30 tuổi, ở Ninh Bình) đã được sơ cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Hà Nội.
Kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân bị đa chấn thương: mất thị lực hoàn toàn mắt bên phải do vỡ nhãn cầu phải, mắt trái nhìn mờ vì nhãn cầu bị dập, mặt chảy nhiều máu với cánh mũi bị tróc. Chỉ vài ngày trước đó, vào ngày 4/1, một nam thanh niên cũng đã gặp tai nạn do bình gas mini phát nổ khiến bàn tay dập nát.
Theo Th.S Trần Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia Dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp, về nguyên tắc, bình gas mini chỉ được sử dụng một lần mà không được phép chiết nạp, sử dụng lại. Việc sử dụng loại bình cũ lại càng nguy hiểm do bình đã bị rỉ sét, van bình không còn độ chính xác sau nhiều lần sử dụng dẫn đến rò rỉ gas và cháy nổ.
Vì giá rẻ, nhiều người vẫn vô tư sử dụng lại các bình gas này. Các vụ tai nạn từ sử dụng bình gas mini đa phần xuất phát từ nguyên nhân sử dụng bình gas cũ, van gas lỏng lẻo, bị rò rỉ gas nên dẫn đến cháy nổ. Do đó, để an toàn, khi quan sát thấy bình gas đã rỉ sét, méo mó, tuyệt đối không sử dụng.
Điều đáng nói là khi thiết kế theo đúng tiêu chuẩn, bình gas mini chỉ được thiết kế để đảm bảo an toàn cho lần sử dụng đầu tiên. Nếu vẫn tiếp tục sang chiết để sử dụng thì van gas bị lỏng sẽ dẫn đến rò rỉ, vỏ gas vốn đã rất mỏng, lại rỉ sét, va đập trong quá trình vận chuyển thì nguy cơ mất an toàn càng cao hơn.
ThS Trần Thắm cho biết, theo quy định bắt buộc thì tất cả các bình gas phải được kiểm định áp lực. Bình gas mini cũng có tem kiểm định an toàn. Tốt nhất không sử dụng lại bình gas cũ, rỉ sét, nắp van lỏng lẻo. Trường hợp bắt buộc phải dùng lại bình gas cũ thì nên quan sát kỹ các dấu hiệu trên và không đun nấu trong thời gian dài, hạn chế ăn lẩu bằng bình gas mini.
Bình gas để cạnh bếp dễ nổ
Th.S Trần Thắm cho biết, các bình gas mini được sang chiết trái phép thường không an toàn do nhiều cơ sở sang chiết lậu vẫn chiết thẳng gas có áp suất lớn từ các bình gas lớn sang bình gas mini. Trong khi đó, thiết kế vỏ bình gas mini mỏng, chỉ chịu được áp suất thấp. Việc sang chiết lậu sẽ làm cho áp suất trong bình gas mini tăng gấp 2 lần so với thiết kế, dễ gây nổ bình.
Nguy hiểm hơn nữa là khi đun nấu quá lâu trên bếp, sức nóng sẽ góp phần làm tăng áp suất bình gas dẫn đến cháy nổ. Trong khi đó, ngay cả với bình gas lớn được sử dụng phổ biến trong nhiều hộ gia đình, việc vỏ và van gas đúng chuẩn cũng chưa quyết định hoàn toàn đến mức độ an toàn cho người sử dụng. Dây thấp áp, và van điều áp đóng vai trò quan trọng trong việc an toàn khi sử dụng gas.
“Đối với bình gas mini, khoảng cách từ bình gas đến bộ phần phát lửa là rất gần. Đa phần là khi nấu, bình gas cũng sẽ bị nóng lên cùng với thời gian đun nấu. Trong khi đó khuyến cáo an toàn đối với sử dụng bếp gas là không để bình gas cạnh nguồn điện, nguồn lửa với khoảng cách từ bình đến bếp là 1,5m.
Vì nếu để quá gần bình gas sẽ phải chịu tác dụng của nhiệt do bếp tỏa ra lúc này lực ép trong bình sẽ tăng cao và có thể gây nổ bình gas. Cộng với áp lực sang chiết không đúng làm vỏ gas mini yếu đi, thì việc đun nấu làm tăng nhiệt độ lại càng làm cho vỏ bình gas dễ bị “bục” ra, gây ra cháy nổ, đe dọa tính mạng người sử dụng”, Th.S Trần Thắm cho biết.