Sau nhiều tuần thảo luận trong do dự, Quốc hội Đức đã đồng ý gửi "vũ khí hạng nặng và các hệ thống vũ khí hiện đại hơn" tới Ukraine.
3 đảng trong liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz và nhóm đối lập lớn nhất, nắm giữ hơn 80% số ghế trong hạ viện đã bắt tay ủng hộ một đề xuất viện trợ vũ khí mạnh mẽ, thúc đẩy sự hỗ trợ và ủng hộ rộng lớn hơn với Ukraine.
Trong sự hợp tác hiếm hoi này, giải pháp viện trợ vũ khí trang thiết bị hiện đại được thông qua ngày 28/4 với 586 đồng thuận trên 693 phiếu. Chỉ có các đảng cực hữu và cực tả không ủng hộ kế hoạch. Động thái này cũng kêu gọi chấm dứt nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, chỉ trích sự ủng hộ của Trung Quốc với Moscow.
Với tiêu đề “Bảo vệ hòa bình và tự do ở châu Âu - hỗ trợ toàn diện Ukraine”, kiến nghị của Bundestag kêu gọi chính phủ tăng cường cung cấp “vũ khí hạng nặng và hệ thống hiện đại” thông qua những thỏa thuận hoán đổi với các đối tác NATO.
Theo cơ chế được đề xuất, các nước có thể giao trang thiết bị có nguồn gốc Liên Xô cho Ukraine để khai thác sử dụng ngay lập tức, Đức sẽ thay thế cho các quốc gia này bằng vũ khí hiện đại hơn.
Xe tăng chiến đấu Leopard II tại khu huấn luyện Oberlausitz ở Weisskeissel. Ảnh: Reuters
Ngày 27/4, Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock đã liệt kê những trang thiết bị quân sự mà Đức đã chuyển giao cho Ukraine. bao gồm hàng nghìn tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển ATGM, tên lửa phòng không MANPAD Stinger, tên lửa phòng không MANPAD Strela, mìn chống tăng, súng máy các cỡ nòng, lựu đạn cá nhân và đạn dược với con số hàng triệu đơn vị.
Trước đó, ngày 22/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn với tờ Ouest-France cho biết Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine một số pháo tự hành CAESAR.
Trả lời phỏng vấn của Ouest-France, tổng thống Emmanuel Macron nói: “Chúng tôi đang cung cấp các thiết bị quan trọng, từ tên lửa chống tăng Milan đến pháo hạng nặng CAESAR. Tôi nghĩ chúng ta phải tiếp tục đi trên con đường này. Luôn luôn với lằn ranh đỏ rằng chúng tôi sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột”.
Quân đội Ukraine đã sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển MILAN (ATGM) của Pháp-Đức.
CAESAR do doanh nghiệp quốc phòng Nexter Systems (một phần thuộc sở hữu nhà nước) sản xuất, là lựu pháo 155mm 52 ly lắp đặt trên khung gầm xe vận tải sáu bánh. Lựu pháo có tốc độ bắn tới 6 phát/ phút, tầm bắn 42 km khi sử dụng đạn ERFB (tầm bắn mở rộng, liều phóng đủ) và đến 55 km khi sử dụng đạn động cơ tên lửa hỗ trợ.
Lực lượng Đặc nhiệm Wagram Pháp đang sử dụng một lựu pháo Ceasar trong Chiến dịch Roundup, Al-Quim, Iraq, ngày 16/5/2018. Ảnh của sĩ quan truyền thông Mỹ Spc. Zakia Gray.
Tổng thống Macron nhấn mạnh, khoảng 40 quân nhân Ukraine sẽ được đào tạo về CAESAR ở Pháp. Mỗi khẩu lựu pháo có một kíp pháo thủ từ 5 đến 6 người, những quân nhân này sẽ đào tạo cho các quân nhân khác khi Pháp cung cấp lựu pháo này cho Ukraine.
Theo truyền thông đại chúng, ngoài các vũ khí như tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) MILAN, lựu pháo CAESAR, Pháp còn cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không di động MANPAD Mistral.
Mỹ dẫn đầu các đồng minh NATO về viện trợ quân sự cho Ukraine, cung cấp tất cả các loại vũ khí hiện đại và trang thiết bị hạng nặng, tuyên bố sẽ sử dụng mọi khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của Kiev nhằm đánh bại và làm suy yếu Nga toàn diện trong cuộc chiến ở Ukraine.