<div> <div class="article-photo"><img alt="Duc muon nhanh chong ap dung cac bien phap phong dich khan cap hinh anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/03/20/cdnimg-vietnamplus-vn_ttxvn_merkel_2.jpg" title="Đức muốn nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch khẩn cấp hình ảnh 1" /><span>Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)</span></div> <p>Để đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa <span><strong>COVID-19</strong></span>, Chính phủ Đức và các bang muốn áp dụng các biện pháp <span><strong>phòng chống dịch</strong></span> bệnh nghiêm ngặt ngay sau Lễ Phục sinh.</p> <p>Đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ mới đã bắt đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn nhanh chóng tái áp dụng các biện pháp hạn chế khẩn cấp từ tuần tới.</p> <p>Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tối 19/3 (giờ địa phương), tại một cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang đã thống nhất việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng ở nước này, bằng sự tham gia của các bác sỹ gia đình vào chiến dịch ngay sau Lễ <span><strong>Phục sinh</strong></span> với tối thiểu 1 triệu liều/ 1 tuần.</p> <p>Từ ngày 5-11/4, khoảng 50.000 cơ sở y tế ở Đức cũng sẽ được phép tiêm chủng cho người dân. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn nhanh hơn và linh hoạt hơn khi nói đến tiêm chủng."</p> <p>Bất chấp sự chậm trễ về bàn giao vaccine từ hãng dược phẩm AstraZeneca và việc tạm ngừng sử dụng loại vaccine này, Chính phủ Đức và các bang vẫn kiên định mục tiêu mọi người dân phải được tiêm chủng vào mùa Hè."</p> <p>Hiện Đức đã nối lại sử dụng <span><strong>vaccine</strong></span> AstraZeneca sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tái khẳng định tính an toàn và hiệu quả của vaccine này.</p> <p><strong><span>[WHO tiếp tục khẳng định vaccine COVID-19 của AstraZeneca an toàn]</span></strong></p> <p>Mặc dù vậy, Thủ tướng Merkel lo ngại số lượng vaccine sẽ vẫn khan hiếm trong tháng tới, do đó việc tiêm chủng vẫn phải theo trình tự theo khuyến nghị của Ủy ban Tiêm chủng Thường trực.</p> <p>Thủ tướng Merkel đánh giá tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Theo quan điểm của Thủ tướng Merkel, vì sự gia tăng mạnh mẽ số ca nhiễm, số ca mắc bệnh hiện tại đang tăng lên theo cấp số nhân nên nước này có thể dừng việc nới lỏng và tái áp dụng các biện pháp hạn chế. </p> <p>Theo chính phủ liên bang, việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng sẽ không đủ để làm chậm sự gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết hiện châu Âu vẫn chưa có đủ vaccine ở châu Âu để ngăn chặn làn sóng thứ ba.</p> <p>Theo Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), vào ngày 19/3, nước này ghi nhận 17.482 ca nhiễm mới, với tỷ lệ mắc trên toàn quốc tăng lên 95,6.</p> <p>Trước đó, chính phủ liên bang và các bang gần đây đã thống nhất rằng việc nới lỏng phải được rút lại nếu tỷ lệ mắc bệnh vượt quá 100 ca nhiễm/100.000 người/ 1 tuần. Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang sẽ thảo luận thêm về các biện pháp vào đầu tuần tới./.</p> <div class="cms-author"> </div> </div> <p> </p>