<div> <p style="text-align: justify;"><strong>Khó cho ban soạn thảo và bộ ngành</strong></p> <p style="text-align: justify;">Bình luận về đề xuất đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, theo ông Bình thì về bản chất, Luật Doanh nghiệp đã quy định một loại hình doanh nghiệp mà chính nó đã được thiết kế để thay thế cho hình thức hộ kinh doanh cá thể, đó là hình thức doanh nghiệp tư nhân. Nói cách khác, hình thức pháp lý dành cho hộ kinh doanh là đã có trong Luật Doanh nghiệp là đã có chứ không phải là chưa tồn tại.</p> <p style="text-align: justify;">“Vậy quy định thêm một loại hình doanh nghiệp nữa là hộ kinh doanh cá thể thì sẽ là một thách thức lớn đối với ban soạn thảo hoặc các nhà lập pháp đề giải trình về sự khác biệt giữa hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện tại với hình thức doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể (nếu như được đưa vào luật)?”, ông Bình nói. Đồng thời ông cho rằng cần đặt câu hỏi vì sao các chủ hộ kinh doanh cá thể đã không lựa chọn hình thức này mà đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể?</p> <p style="text-align: justify;">Điều này không chỉ khó cho ban soạn thảo mà còn khó cho cả hộ kinh doanh. Theo ông Bình, nếu được đưa vào luật sẽ có khoảng gần 5 triệu doanh nghiệp vốn đang yên ổn hoạt động phải đi đăng ký lại, khiến các hộ kinh doanh mất hàng chục triệu ngày công, hàng ngàn tỉ đồng mà họ chưa thấy được một lợi ích rõ ràng trong ngắn hạn từ việc đăng ký lại này.</p> <p style="text-align: justify;">Trao địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh qua việc khẳng định hộ kinh doanh là một hình thức trong Luật Doanh nghiệp sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho các bộ ngành khác về cách thức tiếp cận hiện tại của các bộ, ngành này đối với hộ kinh doanh.</p> <p style="text-align: justify;">Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận hộ kinh doanh là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Cũng từ nguyên tắc này, các đối tượng không phải là pháp nhân, như hộ kinh doanh sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, ví dụ như vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tương tự như vậy với các luật khác như Luật Sở hữu Trí tuệ hay là ngành thuế…</p> <p style="text-align: justify;">Ông Bình cũng cho rằng đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp sẽ khiến các luật sư, chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp, tư vấn thành lập doanh nghiệp lúng túng về câu hỏi: Đâu là sự khác biệt giữa hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể)? Các quyền, lợi ích khác nhau như thế nào? Tại sao nên đăng ký là hộ kinh doanh cá thể chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân?</p> <p style="text-align: justify;">“Nếu hộ kinh doanh được đưa vào Luật Doanh nghiệp chắc chắn sẽ là một “phát minh” riêng của Việt Nam. Thật sự là một điều vô cùng khó khăn để chúng ta tìm thấy một hình thức doanh nghiệp tương tự được quy định trong bất kỳ một luật công ty (company law) hay luật thành lập doanh nghiệp (incorporation law) ở bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới”, ông Bình nhấn mạnh.</p> <p style="text-align: justify;">Ông còn cho rằng điều đó không những không giúp cho hệ thống pháp luật về doanh nghiệp của chúng ta rõ ràng hơn và minh bạch hơn, mà sẽ làm cho nó càng trở nên khác biệt hơn so với thông lệ quốc tế.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Chính thức hóa không nhất thiết là chuyển đổi</strong></p> <p style="text-align: justify;">Hiện nay phương pháp tiếp cận duy nhất của chúng ta đối với việc chính thức hóa là chuyển đổi các hộ kinh doanh kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp hay công ty. Nhưng cũng cần thừa nhận rằng trên thực tế có nhiều cá nhân không có nhu cầu thành lập công ty.</p> <p style="text-align: justify;">Tại nhiều quốc gia, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Các cá nhân kinh doanh này cũng đều được đăng ký, có mã số thuế và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định.</p> <p style="text-align: justify;">Ví dụ như tại Úc, cá nhân kinh doanh nếu doanh thu dưới 75.000 đô la Úc sẽ phải xin đăng ký mã số kinh doanh ÚC (ABN), song sẽ nộp thuế thu nhập cá nhân và được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.</p> <p style="text-align: justify;">Các nỗ lực nhằm chính thức hóa hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam cần khai thác thêm các hướng đi này nhằm tạo thêm sự lựa chọn nữa cho các hộ kinh doanh cá thể, thay vì chỉ có con đường duy nhất là chuyển đổi thành công ty hoặc doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp.</p> <p style="text-align: justify;">Do đó, việc quy định hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp nhằm đảm bảo địa vị pháp lý của loại hình kinh doanh này, đồng thời ngay lập tức chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh, không phải là phương thức phù hợp và hiệu quả.</p> <p style="text-align: justify;">Ví dụ, Singapore mất nhiều thập niên với các chính sách kiên trì khác nhau, kết hợp cả bắt buộc, hỗ trợ và khuyến khích, để chính thức hóa các cá nhân và hộ kinh doanh bán hàng rong tại quốc đảo và đã đạt được những thành công đáng học tập.</p> <p style="text-align: justify;">Điều quan trọng là các biện pháp này luôn phù hợp với các nguyên tắc thị trường, hài hòa giữa lợi ích của người kinh doanh và lợi ích xã hội, bên cạnh một lộ trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của các hộ kinh doanh và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.</p> <div> <div> <p style="text-align: justify;"><strong>Khi chuyển thành doanh nghiệp thì "Chú Ba" chuyên thịt cày sẽ đổi tên ra sao?</strong></p> <p style="text-align: justify;">Theo ông Nguyễn Như Chính là giảng viên Đại học Luật Hà Nội, Luật Doanh nghiệp chưa làm rõ được ranh giới giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Với quy định hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp như hiện nay là hoàn toàn khó kiểm soát cũng như không có chế tài.</p> <p style="text-align: justify;">Ngoài ra, theo ông với “nền kinh tế xe máy”, các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố có số vốn đầu tư nhỏ, doanh thu ít thì mô hình kinh doanh “nhỏ hơn doanh nghiệp” rất phù hợp.</p> <p style="text-align: justify;">“Các ông, bà chủ không muốn và không có nhu cầu tổ chức hoạt động kinh doanh lớn hơn, việc bắt buộc họ phải hoạt động dưới quy mô doanh nghiệp là không hợp lý. Một số quốc gia gọi những đối tượng này (hộ kinh doanh) là 'thương nhân không đầy đủ'", ông Chính nói.</p> <p style="text-align: justify;">Do đó, biện pháp hợp lý là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật thương mại, bổ sung thêm những quy định về hộ kinh doanh liên quan tới kiểm soát tài chính, doanh thu chứ không phải số lượng người lao động.</p> <p style="text-align: justify;">Về kiểm soát tài chính, chuyên gia này cho rằng cần phải thực hiện đơn giản về chính sách thuế, thủ tục khai nộp thuế để người nộp thuế tự tính tự khai và tự nộp được thuế, minh bạch việc xác định doanh thu khoán và số thuế khoán phải nộp; giảm thiểu tối đa tình trạng “thông đồng, thỏa thuận” về mức thuế.</p> <p style="text-align: justify;">Song song đó cần phải có cơ chế hỗ trợ trong việc chuyển đổi như miễn, giảm chi phí, thực hiện đơn giản, gọn nhẹ… Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ kinh doanh hiện nay lại cảm thấy vướng khó khắn nhất lại là về tên gọi sau khi chuyển đổi.</p> <p style="text-align: justify;">“Hàng chục năm họ hoạt động dưới tên gọi cửa hàng chú Ba - chuyên thịt cày, bia hơi Năm Râu, giờ chuyển đổi lên doanh nghiệp thì không biết đặt tên ra sao, có được giữ lại tên gọi cũ hay không? Tên doanh nghiệp, tên thương mại, biển hiệu kinh doanh là những vấn đề rắc rối với họ”, ông Chính nêu.</p> </div> </div> <p style="text-align: justify;"> </p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>