Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị COVID-19 sáng 25/11.
Theo ông Sơn, từ khi nới giãn cách, trở lại "bình thường mới", cùng với việc đi lại, mua bán, hoạt động kinh tế của người dân, tỉ lệ ca mắc gia tăng tại nhiều địa phương, số tử vong tăng và đã 3-4 ngày vượt mốc 3 con số.
Tổ chức Y tế thế giới dự báo có nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch thứ 5, chúng ta cũng phải đối đầu với thách thức này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các địa phương phải sớm bao phủ 2 mũi văcxin và tăng cường hệ thống y tế để theo dõi ca bệnh. Tăng cường nhân lực để đảm bảo người bệnh tiếp cận được dịch vụ y tế, chủ động cung cấp thuốc điều trị cho người bệnh càng sớm càng tốt.
Về thuốc điều trị, trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4, chúng ta đã đưa thí điểm có kiểm soát sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng, với gần 250.000 liều được sử dụng.
Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%và giảm tỷ lệ tử vong 50%.
Ngoài ra, các thuốc tốt, hứa hẹn trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng đã đem lại thành công.
Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác thay thế Molnupiravir để phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, như thuốc favipiravir, thuốc Avigan ... Trong đó có loại của Nhật gồm 1 triệu viên hôm nay sẽ có mặt tại Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.