Dự thảo Luật Thuế tài sản: Áp thuế động sản vừa khó vừa phi lý

(khoahocdoisong.vn) - Theo dự thảo Luật Thuế tài sản, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên sẽ phải chịu thuế. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đánh thuế ô tô sẽ tác động đến yếu tố cấu thành giá sản phẩm và người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người chịu thuế.

Nhất khu vực về mua xe sang

Theo dự thảo Luật thuế Tài sản, giá tính thuế với tàu bay, du thuyền, ô tô mới là giá trị tài sản tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản mới nhân (x) với tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm tính thuế. Tỷ lệ phần trăm (%) chất lượng còn lại của tài sản được xác định căn cứ vào thời gian sử dụng tài sản kể từ năm sản xuất.

Dự thảo cũng quy định miễn thuế với các trường hợp tàu bay, du thuyền, ô tô của các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, ô tô ngoại giao.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, lượng tàu bay, du thuyền ở Việt Nam chủ yếu vẫn là của các doanh nghiệp nhà nước nên đối tượng chịu thuế này “xem như” bỏ qua. Đối tượng động sản mà dự thảo luật nhắm đến là ô tô hạng sang từ 1,5 tỷ trở lên.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình trong khu vực, nhưng Việt Nam lại là quốc gia tiêu thụ xe hơi hạng sang nhiều nhất Đông Nam Á. Trong năm 2017 người Việt tiêu thụ đến 8.670 chiếc xe hơi hạng sang, siêu sang các loại. Dù đã giảm khoảng 15% so với năm 2016 nhưng người Việt đã chi đến 20.000 tỷ đồng để mua các dòng xe này.

Theo thống kê của Vibiz.vn, năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 21.902 ô tô hạng sang có giá trên 2 tỷ đồng. Như vậy, việc đưa ô tô từ 1,5 tỷ vào diện thu thuế là sự “đón đầu” của Bộ Tài chính. Có thể thấy, nếu ngưỡng đánh thuế từ 1,5 tỷ đồng trở lên thì số thu từ toàn bộ dòng xe siêu sang (ở mức thuế suất 0,4%, chưa tính phương án lũy tiến) cũng đã là khoản tiền không nhỏ.

Nhưng khó tính thuế

Theo tính toán của TS. Nguyễn Việt Cường thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ hộ gia đình phải nộp thuế ô tô, du thuyền và máy bay của Việt Nam là rất thấp, ở mức 0,02% dân số. Tuy nhiên, với mức thuế suất 0,4% x Giá tính thuế (Giá trị tài sản nhân với tỷ lệ (%) chất lượng còn lại) thì các hộ phải nộp thuế thuế ô tô, du thuyền và máy bay phải nộp mức thuế là khoảng 7,2 triệu đồng/hộ/năm.

Trên thực tế, những dòng xe siêu sang hàng chục tỷ thường là tài sản cá nhân, không cấu thành vào giá sản xuất, nhưng phân khúc xe từ 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ lại phổ biến của các công ty sản xuất kinh doanh, các hộ doanh nghiệp vừa. Số lượng xe ở phân khúc này rất lớn và được phân bổ vào yếu tố cấu thành chi phí sản xuất. Dù số tiền thuế không lớn nhưng về mặt cơ sở khoa học, chi phí sản xuất tăng thì giá thành sản phẩm tăng và người tiêu dùng cuối cùng sẽ là người phải gánh số thuế này.

Bộ luật dân sự 2005, Điều 529 có liệt kê các loại tài sản là động sản do luật định bao gồm: trái phiếu, cổ phiếu trị giá bằng tiền, các cổ phần, lãi suất, các khoản lợi tức… Ngoài ra Điều 533 còn quy định các loại tài sản như tiền, các tác phẩm nghệ thuật… cũng là động sản.

Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, do tính chất phức tạp của động sản, hiện dự thảo Luật Thuế Tài sản mới chỉ đề cập thu thuế máy bay riêng, du thuyền, ô tô từ 1,5 tỷ trở lên. Các động sản khác như tàu bè, cổ phiếu, cổ phần, các khoản lợi tức, tài sản thừa kế, tranh đá quý, tác phẩm nghệ thuật, các loại tài sản bằng tiền khác... rất phức tạp nên dự thảo chưa đề cập.

Còn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, nếu đánh thuế tài sản này thì có thể trùng thuế. Vì khi mua, người tiêu dùng đã đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, lệ phí trước bạ, giờ lại đánh thuế hàng năm hàng tháng là không có cơ sở về mặt pháp lý. Người thu thuế có thể lợi dụng cơ hội đó gây phiền nhiễu và cấu kết với người có động sản để trốn thuế. Việc hành thu thuế cũng rất tốn kém cho bộ máy các xã phường. Nếu áp dụng ở nông thôn sẽ tốn kém không hiệu quả vì số thuế không thu được mấy.

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng khẳng định, trên thế giới, rất ít nước đánh thuế liên quan đến động sản. Đánh thuế động sản là phi lý vì động sản sẽ mất giá theo thời gian. Trên thế giới chỉ có 3 nước: Na Uy, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha đánh thuế trên động sản nhưng cơ chế của họ rất công khai minh bạch, người dân được tham gia giám sát.

Ở Việt Nam, hệ thống giám sát rất yếu. Việc định giá để đánh thuế lại rất phức tạp, tùy thuộc vào sự thẩm định của người hành thu. Do vậy, nếu áp dụng thuế với động sản đòi hỏi phải đáp ứng được các điều kiện công khai minh bạch trong hành thu.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng GDP bình quân vào khoảng 6% mỗi năm cho đến 2020, số triệu phú Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới. Hiện tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 170%, thuộc top nhanh nhất thế giới, cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong năm 2017, giới nhà giàu Việt Nam chi hơn 15.000 tỷ đồng để mua xe sang, siêu sang và siêu xe các loại. Có khoảng 160 "xế khủng", đủ các dòng như siêu xe, siêu sang nhập khẩu, có giá sau thuế từ 10 tỷ đến 80 tỷ đồng đã được cấp đăng kiểm. Bên cạnh đó, gần 1.000 xe có giá bán từ 5-10 tỷ đồng cũng được người giàu xuống tiền mua.

Theo Đời sống
back to top