Ngày 5/4, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) tổ chức Hội thảo Góp ý kiến Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Toàn cảnh hội thảo |
TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch LHH và TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội làm chủ toạ hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục. Luật Giáo dục sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp quốc hội thứ 7 tới đây.
Ý kiến của nhà khoa học không được lắng nghe?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ tại hội thảo rằng không hiểu vì lý do gì mà các ý kiến của các nhà khoa học thuộc LHH từ 2 cuộc họp trước không được ghi nhận trong bản dự thảo Luật giáo dục lần này (bản dự thảo ngày 31/3/2019).
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết |
“Tôi đóng góp 13 ý kiến thì 12 ý kiến không được tiếp thu, chỉ có 1 ý kiến được tiếp thu và có sửa chữa nhưng lại thành “dở” hơn. Nếu làm không cẩn thận thì Luật giáo dục sửa đổi tới đây sẽ rất chắp vá và không giải quyết được vấn đề gì cả”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Hội Tâm lý Giáo dục cũng đồng tình với ý kiến về việc vì sao các góp ý từ 2 cuộc họp lần trước của LHH không được ban soạn thảo đưa vào.
Việc biên soạn sửa đổi Luật Giáo dục không phải là việc của một bộ, ngành nào mà phải là việc của toàn hệ thống. Do đó, để có một bộ luật hoàn chỉnh thì bắc buộc phải làm nghiêm túc, kỹ càng, lắng nghe, cầu thị.
PGS.TS Bùi Thị An cho rằng dự thảo Luật Giáo dục lần này chưa thực sự đạt tầm. Nó không làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục, giáo viên đối với sản phẩm đầu ra không đạt yêu cầu. Chính hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm với tất cả các vấn đề trong nhà trường, bộ trưởng phải chịu mọi trách nhiệm các vấn đề trong ngành mình, chứ không thể để các bộ ngành khác cùng quản lý.
PGS.TS Bùi Thị An |
Cơ sở giáo dục được quyền tự chủ
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Tại Hội thảo tháng 1/2019 của LHH, tôi và nhiều chuyên gia khẳng định tự chủ là yếu tố quyết định để thực hiện dân chủ, phát huy sáng tạo, đồng thời xác định trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Càng trì hoãn việc giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục thì cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục càng lún sâu vào sự vụ, càng khó tập trung vào nhiệm vụ chính là xây dựng chiến lược, pháp luật, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra, thanh tra. Việc dự thảo Luật hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông là một bước lùi về dân chủ so với Luật Giáo dục hiện hành."
GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng phát biểu tại hội thảo |
Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc tổ chức thi tốt nghiệp quy mô toàn quốc hoặc toàn tỉnh tốn kém mà không cần thiết khi tỉ lệ tốt nghiệp năm nào cũng đạt 98-99%. Luật Giáo dục nên giao việc đánh giá tốt nghiệp cho các trường THPT. Nhà trường sẽ đánh giá học sinh dựa trên kết quả học tập, rèn luyện thực chất, trong đó chú trọng kỹ năng thực hành. Căn cứ kết quả tốt nghiệp tại trường, hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh.
Còn việc đánh giá để tuyển sinh đại học, giao cho các trung tâm khảo thí được tổ chức ở 3 miền. Mỗi năm, các trung tâm khảo thí có thể đánh giá từ 2-4 lần. Các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đánh giá này để tuyển sinh hoặc tổ chức thêm một kỳ thi/một cuộc phỏng vấn để lựa chọn những thí sinh thích hợp với ngành đào tạo.
Hiện nay Việt Nam chưa có trung tâm khảo thí mạnh. Nhưng từ nay đến năm 2025 tức là lúc học sinh lớp 12 học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp còn 7 năm nữa, chúng ta có thể đào tạo đội ngũ khảo thí chuyên nghiệp và chuẩn bị ngân hàng đề thi để thực hiện công việc này. Nếu cần, bước đầu có thể mời chuyên gia khảo thí quốc tế sang giúp đào tạo nhân lực kiểm định, xây dựng ngân hàng đề thi và tổ chức một vài kì thi đầu tiên.
Ngoài việc đánh giá kết quả học tập để tuyển sinh đại học, các trung tâm khảo thí cũng sẽ được giao nhiệm vụ tổ chức khảo sát trên diện rộng (có thể là ở từng tỉnh) để thu thập thông tin về giáo dục và đối chiếu với kết quả tốt nghiệp ở các trường. Trên cơ sở đối chiếu, cơ quan quản lý giáo dục địa phương có thể xác định sự tương ứng giữa kết quả đánh giá của từng trường với kết quả khảo sát trên diện rộng, từ đó điều chỉnh “bệnh thành tích” của các trường.
Đáng tiếc là dự thảo Luật giáo dục lần này chỉ bổ sung một quy định không nhiều ý nghĩa là “hiệu trưởng cấp chứng nhận hoàn thành chương trình THPT cho những học sinh không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc có dự thi mà không đỗ”. Làm sao một người không đỗ trong kỳ thi tốt nghiệp có thể được coi là đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông? Trong khi đánh giá là một phần của chương trình? Quy định như vậy không giải quyết được bế tắc hiện nay.
Xã hội hoá biên soạn SGK
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, việc “thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK, có một số SGK cho mỗi môn học” là cần thiết. Điều này đã được thực hiện ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và miền Bắc Việt Nam trước năm 1957, không nảy sinh vấn đề gì. Nay Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển, không lẽ không làm được?
Ngoài ra Luật cũng cần quy định rõ “cơ sở giáo dục chủ động vận dụng chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường” chứ không phải “được tổ chức thực hiện linh hoạt” như trong dự thảo luật vì như thế là quá lỏng lẻo, sử dụng từ ngữ mơ hồ. Cần đảm bảo quyền của giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa, không đề quyền lựa chọn rơi vào một hoặc một số cá nhân hay tập thể chung chung là “nhà trường”.
TSKH Nghiêm Vũ Khải phát biểu tại hội thảo |
Một số vấn đề khác được GS.TS Nguyễn Minh Thuyết góp ý như cân nhắc xem có nên tiếp tục phát triển trường chuyên theo định hướng luyện gà nòi để thi học sinh giỏi không. Cân nhắc về trường chất lượng cao để đảm bảo công bằng trong hưởng thụ giáo dục. Giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm là đủ. “Đại học hoá” tất cả giáo viên các cấp học phổ thông là không cần thiết và sẽ dẫn đến xoá bỏ các trường cao đẳng sưu phạm. Cần bổ sung chính sách sử dụng người tốt nghiệp trường sư phạm để khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm.
PGS.TS Bùi Thị An cũng đặt vấn đề nên cân nhắc có cần thiết phải thành lập trường chuyên không? Hiến pháp quy định mọi người dân đều có quyền thụ hưởng giáo dục, nên tạo ra sự công bằng. Về điều này thì ông Phạm Tất Thắng cho biết, các đoàn đại biểu Quốc hội vẫn đề nghĩ giữ trường chuyên. Cách tổ chức quản lý hoạt động thì phải cải tiến cho có hiệu quả.
Kết thúc hội thảo, TS Nghiêm Vũ Khải cho biết tới đây sẽ tập hợp ý kiến các nhà khoa học đóng góp về dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục sang Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội và Bộ GD&ĐT để góp phần hoàn thiện luật trước khi được thông qua.
GS.TS Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội đề xuất cần thiết phải đưa ngay vào luật giáo dục vấn đề bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em.