Tiền điện vẫn là một khoản chi "mệt mỏi" với nhiều người dân, nhất là vào mùa nắng nóng. |
Sau tính lại, giá cao hơn
Theo dự thảo (để lấy ý kiến rộng rãi) của Bộ Công Thương, đối với khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt, có 2 phương án tính giá. Phương án 1 là biểu giá bán lẻ điện tính theo 5 bậc (trên cơ sở 6 bậc hiện tại) và phương án 2 (gồm 2 phương án 2A và 2B) tính theo 5 bậc và 1 bậc.
Tuy nhiên, giá điện tính theo bậc 5 (từ 701kWh trở lên) phương án 2 cao hơn rất nhiều so với bậc 5 (từ 701kWh trở lên) của phương án 1 (từ 3.449 - 5.109đ/kWh), trong khi giá điện bậc 5 của phương án 1 chỉ 3.132đ/kWh. Giá điện 1 bậc được tính theo phương án 2 cao hơn, lần lượt 2.703đ/kWh (bằng 145% mức giá điện bình quân) và 2.890đ/kWh (bằng 155% mức giá điện bình quân).
Như vậy, với biểu giá trong dự thảo (phương án 2A), nếu khách hàng dùng 400kWh/tháng theo cách tính 5 bậc sẽ đóng ít hơn so với mức giá hiện nay, nhưng nếu khách hàng này chọn trả 1 giá là 2.703đ/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300đ/tháng. Còn trả 1 giá theo phương án 2B phải đóng cao hơn 261.074đ/tháng.
Trong khi đó, theo EVN, số hộ sử dụng điện dưới 400kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Như vậy, trong biểu giá điện mới này, có ít nhất 22 triệu hộ dân không thể chọn cách trả điện 1 giá.
Tương tự, với khách hàng dùng từ 401 - 700kWh/tháng, số tiền phải đóng mỗi tháng theo 5 bậc tương đương cách tính theo 6 bậc hiện nay, nhưng nếu chọn trả 1 giá phải trả chênh lệch thêm từ 102.000đ/tháng đến 233.000đ/tháng (tùy chọn phương án 1 giá 2.703đ hay 2.890đ/kWh).
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để xem xét các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã thống kê thực tế sản lượng điện của các khách hàng trong thời gian vừa qua. Theo đó, khoảng hơn 1,2 triệu khách hàng dùng dưới 50kWh/tháng; khoảng trên 18 triệu hộ, chiếm 72% khách hàng dùng từ 50 - 300kWh/tháng, tương ứng khoảng 60% tổng sản lượng. Số khách hàng trên 700kWh/tháng so với lần khảo sát năm 2015 đã chiếm khoảng 1,7%.
Cũng theo Bộ Công Thương, có đến 98,2% số hộ dân có mức sử dụng điện dưới 700kWh. Với những con số Bộ Công Thương đưa ra có thể thấy, phương án điện một giá chỉ có lợi rất ít cho chưa đầy 2% số hộ. Trong khi có tới hơn 98% hộ dân phải chịu giá cao.
Đưa ra lựa chọn mới cho người dân nhưng thực chất không cho người dân quyền lựa chọn. Bộ Công Thương và EVN như đang trong một màn tung hứng giá điện, với kết quả là thay vì giảm được chi phí tiêu dùng điện qua giảm giá, thì người dân lại có nguy cơ tăng chi cho điện do bị tăng giá?
Số tiền phải nộp của các hộ dân dùng bậc thang mới, điện một giá so với bậc thang hiện hành (mức giá này chưa bao gồm 10% VAT). |
Vì quyền lợi EVN là tốt, nhưng quyền lợi dân ở đâu?
Theo TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), dự thảo đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Ngay từ bậc 2 với hộ dùng từ 101kWh trở lên, giá đã cao hơn giá điện bình quân 8%. Nên chắc chắn người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng lượng điện tiêu thụ. Phương án điện một giá lại áp mức bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại 1,5 - 2 lần nên người tiêu dùng cũng phải trả cao hơn so với hiện nay.
Ông Lâm cũng cho rằng, đề xuất phương án điện một giá của Bộ Công Thương là quá cao và không có cơ sở. Giá điện bình quân hơn 1.860đ/kWh hiện nay đã bao gồm cả chi phí và lãi. Nhiều lần, chính Bộ Công Thương cũng mong muốn được tăng giá điện bình quân lên 2.400 - 2.500đ/kWh là đạt yêu cầu. Vậy giờ tăng lên đến gần 3.000đ/kWh là quá vô lý. Phải chăng bộ phận làm giá cố tình xây dựng mức giá cao để sau đó điều chỉnh xuống mức giá mong muốn (?). Phương án điện một giá được Bộ Công Thương dự thảo khiến dư luận cảm thấy đây chính là tăng giá điện, và tự hỏi lần sửa biểu giá bán lẻ điện này có phải kết hợp tăng giá điện?
Theo Bộ Công Thương, biểu giá được đề xuất “trên cơ sở đã tiếp thu, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị của Quốc hội, các bộ ngành, tổ chức, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành, hiệp hội ngành nghề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tổng công ty điện lực...”.
Trước đó, tại toạ đàm về chỉ số công tơ, hóa đơn tiền điện tăng cao, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN khẳng định, việc chỉnh sửa biểu giá điện bậc thang và đưa thêm phương án điện một giá là để tránh tình trạng tiền điện nhiều hộ tăng vọt mùa nắng nóng. Tuy nhiên, phương án điện sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến lại cho thấy chi phí điện có thể còn tăng thêm và đó đúng là sự thất vọng của công chúng đang mong mỏi giảm được chi phí tiêu thụ điện?
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một hội đồng độc lập ngoài EVN và Bộ Công Thương (gồm các chuyên gia năng lượng, các nhà kinh tế, doanh nghiệp, đại diện người dân...) để thẩm định giá điện, tránh cơ chế độc quyền, tự nâng giá gây lạm phát và thiệt thòi cho người dân, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đầy khó khăn.
Trên hết, độc quyền ngành điện đang cần được xóa bỏ. Chỉ khi có một thị trường điện bán buôn cạnh tranh, minh bạch hơn như điện thoại, viễn thông, xe máy... mới có thể hài hòa lợi ích của nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Giấc mơ xóa bỏ độc quyền ngành điện vẫn đang xa vời. |