Dù khó đến mấy cũng phải dành vốn cho người nghèo

(khoahocdoisong.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Sáng 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo tại Hội nghị, đến 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (tăng 40,2%) so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ....

Phó Thủ tướng nhìn nhận, chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 – 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tuy nhiên, vốn của địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó, riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 100 tỷ đồng.

Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường  xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương; tổ chức huy động tốt các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm  an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị HĐND, UBND các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

“Tối thiểu mỗi địa phương khó đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. 16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

Theo Đời sống
back to top