Xuân sang, Tết đến, hoa đào nở, lòng người hân hoan đón chờ phút giây được trở về bên gia đình. Bởi chẳng có gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên, chẳng có gì an yên bằng mùa sum họp.
Thành phố Kobe (tỉnh Hyogo, Nhật Bản) chìm trong cái lạnh 5 độ C lúc 22h. Vừa tan ca làm ở quán sushi, Minh nhanh chóng di chuyển về nhà ở khu Nada trước khi nhiệt độ xuống thấp hơn nữa.
Ở Việt Nam, hôm ấy là 23 tháng Chạp. Minh gọi Zalo cho mẹ hỏi han đủ thứ chuyện về ngày ông Công ông Táo.
Ở nơi cách quê nhà hàng nghìn cây số, nhưng có nhắm nghiền mắt 9X cũng tưởng tượng ra từ 2-3 hôm trước, khắp phố xá đã tràn ngập màu xanh xanh, đỏ đỏ của các bộ đồ mã bắt mắt.
Chợ quê ngày hăm ba trở nên hối hả, nhộn nhịp hơn vì Tết đã gần chạm ngõ. Tiếng các bà, các mẹ lựa đồ gói bánh chưng, củ dưa hành, hũ mắm... rồi kỳ kèo, trả giá ồn ào như muốn sống dậy cả một mùa Tết.
Đêm đông nơi xứ người dường như bớt lạnh hơn khi Minh được sưởi ấm bằng niềm vui sắp được về nhà ăn Tết. Vé máy bay đã đặt, quà biếu người thân cũng đã được đóng gói cẩn thận, Minh đếm từng ngày đến 28 âm để về nhà.
Minh tạm biệt gia đình sang Nhật du học từ tháng 10/2017. Đây không phải lần đầu tiên chàng trai đi học xa, song ý nghĩ không phải cứ nhớ là có thể bắt một chuyến xe về nhà với mẹ, khiến cậu hiểu rõ mình thật sự đã rời xa vòng tay gia đình.
Tạm cất nỗi nhớ nhà vào trong tim, Minh mất vài tuần để có thể bắt nhịp với cuộc sống mới. Ngày đi học và tranh thủ bồi dưỡng thêm tiếng, tối miệt mài đi làm thêm rồi về nhà lúc 22h, Minh chỉ kịp tắm giặt, ăn uống rồi ngủ, bài vở nhiều khi không động đến.
Mùa xuân đầu tiên ở Kobe, Minh hay "sụt sịt" vì chưa quen với tiết trời có khi lạnh dưới 5 độ nhưng không có tuyết rơi trắng xóa trên những nẻo đường.
Cũng trong mùa xuân xa nhà đầu tiên ấy, Minh có trải nghiệm thú vị khi được đón Tết cổ truyền
"Oshougatsu" của người Nhật vào dịp đầu năm mới theo lịch dương.
Cũng như Tết cổ truyền ở Việt Nam, người dân xứ Phù tang chuẩn bị đón năm mới bằng việc dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ với quan niệm rửa trôi những điều không may của năm cũ, chào đón những gì tốt đẹp nhất sắp đến.
Ngày cuối cùng của năm cũ, các thành viên trong gia đình sum vầy ăn bữa cơm tất niên được chuẩn bị tươm tất với món ăn truyền thống làm từ ngũ cốc, cá và hải sản. Mọi người trò chuyện vui vẻ với nhau trong suốt bữa ăn.
Vào ngày đầu năm mới, trẻ em Nhật Bản cũng được nhận lì xì từ ông bà, cha mẹ và người thân. Người người, nhà nhà cũng đi lễ đền, chùa mua bùa, rút quẻ và cầu mong hạnh phúc, may mắn trong năm mới.
Cầm trên tay tấm bưu thiếp chúc Tết của chủ quán người Nhật tốt bụng nơi mình làm thêm, bên cạnh cây Kadomatsu (biểu tượng của ngày Tết ở Nhật gồm nhiều cành thông xếp vào 3 ống tre tươi vát chéo, điểm thêm vòng dây thừng bện bằng cỏ khô và các dải giấy trắng), Minh lại nao lòng về cái Tết quê hương.
9X nhớ khung cảnh nhộn nhịp của dòng người đi chợ sắm Tết; những bông, những cây lộc non đầy ắp trên cành được bày bán khắp phố; nhà nhà rửa lá, vo gạo... gói bánh chưng; cả gia đình quây quần xem Táo quân đêm 30 hay mâm cơm tất niên đầy ắp tiếng cười.
Từng khung cảnh về cái Tết ấm áp tình thân nơi quê nhà trôi qua như thước phim quay chậm, thêm điệu nhạc xuân ngân nga trong tâm trí, khiến nỗi nhớ nhung da diết cứ thế len lỏi vào từng giác quan, từng tế bào.
Năm nay, Minh không còn phải đón tết dưới bầu trời cách xa Việt Nam cả nghìn cây số.
Khi Minh đặt chân trở về, nhà cửa đã được chị dâu dọn dẹp, trang hoàng sạch đẹp từ hôm 28. Chăn màn cũng đã được giặt giũ thơm tho.
Cả nhà để dành cho Minh "nhiệm vụ" chở mẹ đi phiên chợ cuối ngày 30 mua cành đào, vài búp huệ trắng thơm thanh tao để bày ban thờ và kẹo bánh, hạt bí, hạt hướng dương mời khách tới chơi nhà nhâm nhi.
Hơn một năm xa nhà đã quá đủ mong nhớ, Minh quyết định dành trọn kỳ nghỉ 15 ngày để làm thật nhiều điều ý nghĩa bên gia đình. Đó là mừng tuổi ông bà bằng tiền mình kiếm được, biếu mẹ một khoản kha khá, cùng mẹ và anh chị tới viếng mộ cha, rồi đi chúc Tết họ hàng hai bên nội ngoại.
Cả trong suy nghĩ và hành động, Minh tỏ ra trưởng thành đủ để làm chỗ dựa vững chãi cho gia đình. Điều duy nhất chưa trọn vẹn là Minh còn nợ mẹ một nàng dâu.
Khoảng thời gian đi học, đi làm vất vả nơi đất khách quê người không chỉ dạy cho Minh cách lớn lên, mà còn giúp anh hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ sum họp.
Minh không biết từ "Tết" có từ khi nào, do ai sáng tạo ra, cũng không thể lý giải mùa xuân gói Tết trong lòng hay là Tết nở ra mùa xuân. Chàng trai chỉ thầm b
Với nhiều người trẻ, vị năm mới của sự trưởng thành là sự cô đơn, lạc lõng đến nao lòng.
Chẳng còn nhiều háo hức chờ mong, Tết của năm tháng trưởng thành có lẽ gắn với nhiều trách nhiệm, mối lo, toan tính thiệt hơn. Ví như thưởng Tết ít không đủ biếu người thân, tuổi gần chạm mốc 30 nhưng không dẫn ai về nhà ra mắt.
Bởi vậy, không ít người tuyên bố "ghét Tết", "sợ Tết" rồi xách ba lô "đi trốn" những ngày này.
Không ai có quyền phán xét đúng sai với lựa chọn đó. Nhưng có chăng trong giây phút nào những người này nghĩ rằng mình đã quá để tâm tới những lý do không tích cực, mà vô tình đánh mất niềm vui sum vầy, đoàn viên sau một năm vất vả.
Người buồn nhất có lẽ là các bậc cha mẹ trong giây phút ngồi bên hiên ánh mắt đượm buồn, lòng đau đáu ngóng trông đứa con về nhà sum họp. Với họ, dù có là 30, Tết còn xa lắm khi các con chưa về.
Bởi vì mùa xuân sinh ra cho những nụ cười đoàn viên, buổi tất niên sẻ chia vui buồn của một năm vất vả, nơi người thương nhau tìm về bên nhau.
Thy (22 tuổi) đứng về "phe" trung thành với những giá trị Tết truyền thống và coi trọng nhất là cái Tết đoàn viên. Thy bảo mỗi mùa xuân sang, cô lại nhìn lên tóc cha mẹ ngày càng bạc hơn theo sương gió cuộc đời.
Mỗi khi ấy, tim Thy thắt lại và tự hỏi: “Còn bao nhiêu cái Tết được ở bên cha mẹ nữa?”.
Thy tâm niệm mình còn trẻ và đời cô còn đủ dài cho những chuyến đi. Trong khi ấy, cha mẹ không có nhiều thời gian để chờ con về bên nhau mỗi mùa xuân.
Vì vậy Thy luôn nghĩ khi nào còn có thể, cô sẽ nâng niu từng cơ hội ở bên gia đình để sau này không phải hối tiếc vì sống quá vội mà đánh mất đi những phút giây quý giá.
Trường đại học của Thy năm nay cho sinh viên nghỉ Tết từ 20. Sau khi tranh thủ đi chọn cho cha chiếc găng tay thật dày để đối phó với cái lạnh mỗi sớm phải chạy xe tới chỗ làm, mua cho mẹ mảnh vải hoa nhí màu xanh ra Giêng may đồ mới, Thy nhanh chóng gói ghém đồ đạc hôm sau đón chuyến xe sớm về quê ăn Tết.
Trước ngày ông Táo lên chầu trời, Thy đã giúp mẹ quét dọn vườn tược, lau chùi từng ngóc ngách trong nhà rồi giặt giũ phơi phóng. Cô vẫn ngồi sau cha trên chiếc xe cũ đi chợ mua cành đào chơi xuân như ngày còn nhỏ.
Chợ Tết năm nào cũng có nhưng niềm háo hức trong Thy chưa bao giờ vơi đi mỗi lần được hòa vào dòng người tất bật sắm Tết.
Chiều 27, gia đình Thy cùng hai nhà hàng xóm lại góp gạo, đỗ, lá dong, thịt lợn quây quần cùng gói bánh chưng. Tiếng trò chuyện, cười đùa vang vọng con ngõ nhỏ. Nhiệm vụ trông nồi bánh sau đó được giao cho Thy cùng cô con gái nhà hàng xóm.
Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ - người Thy ngưỡng mộ nhất - đã dạy con gái về các giá trị truyền thống qua dịp lễ, Tết.
Mẹ luôn khuyến khích hai chị em Thy tham gia các hoạt động chung cùng gia đình, từ gói chiếc bánh chưng xanh đẹp vuông vức, bày biện mâm ngũ quả vừa đẹp vừa tròn đầy ý nghĩa, đến nấu mâm cỗ truyền thống đủ 4 bát, 6 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương.
Những bài học tinh tế, tỉ mỉ theo năm tháng giúp Thy hiểu và có ý thức giữ gìn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông bao đời để lại.
Với Thy, trở về nhà dịp Tết cũng chưa bao giờ là nỗi nhàm chán khi mỗi năm, cô lại kể cho gia đình nghe những điều mới mẻ đã học được ở thế giới bao la ngoài kia trong tháng ngày vội vã lăn theo vòng xoay sáng tối của cuộc sống.
Đó không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là giây phút Thy lắng đọng, bước chậm lại để tỏ tường mọi đổi thay, để thêm yêu thương chính mình và chuẩn bị cho hành trình mới phía trước.