Cổng làng thành bãi rác
Trên đường trục phía Nam Hà Nội đi từ Hà Đông qua huyện Thanh Oai, đến cổng làng thôn Hạ xã Cự Khê (Thanh Oai), người đi đường thường thấy cảnh khói bụi mịt mù do tình trạng đốt rác thải bừa bãi tại địa phương này.
Một số người dân có ruộng lúa cạnh đường trục cho biết, tình trạng đốt rác không phải bây giờ mới có. Nhiều hôm khói lửa bốc lên ngùn ngụt gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Cảnh khói mù mịt do đốt rác ở cổng làng thôn Hạ xã Cự Khê. |
Cổng làng thôn Hạ sát đường trục phía Nam Hà Nội, là một tuyến đường đẹp và được xem là tuyến giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời tuyến đường này cũng kết nối Hà Nội với Hà Nam, Ninh Bình với chủ trương nâng cấp thành tuyến quốc lộ Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính.
Tuy nhiên, tình trạng đốt rác thải gây khói bụi và nguy hiểm cho giao thông đã và đang là vấn đề nóng tại xã Cự Khê. Người dân thì bức xúc, chính quyền cũng biết việc xảy ra trên địa bàn, nhưng tại sao vấn nạn cứ vẫn diễn ra mà không ngăn chặn?
Ông Đinh Mạnh Duy, Cán bộ phụ trách môi trường xã Cự Khê thừa nhận việc đốt rác ở cổng làng thôn Hạ sát cạnh đường trục phía Nam là sự thật. Tuy nhiên, ông Duy phủ nhận việc đốt rác không phải do người dân địa phương thực hiện.
Đại diện UBND xã Cự Khê nói do người đi làm đem rác đến đây để đổ. |
“Người ta rình mình”
“Việc đổ rác trộm và đốt rác là do một số người dân đi làm qua trục đường này thực hiện” – ông Duy khẳng định. Tuy nhiên, khi PV phản biện liệu có ai rảnh rỗi đem rác đi làm, hoặc mang rác thải từ công ty về để đổ trộm vào cổng làng hay không thì ông Duy im lặng.
Suy nghĩ hồi lâu, ông Duy phân trần: “Đổ và đốt rác cũng có một chút do người dân trong khu dân cư địa phương. Cái khó là người ta rình mình chứ mình không thể rình được người ta. Xã cũng từng bắt được người đổ trộm rác ở khu vực này. Chính quyền mời cả người và xe về trụ sở xử lý và khắc phục. Biên bản thì do bên công an lập, xã chỉ phối hợp”.
PV hỏi tại sao tình trạng này diễn ra đã lâu mà chính quyền không ngăn chặn được? Ông Duy lại trả lời lặp lại câu giải thích: “Người ta rình mình chứ mình không thể rình được người ta”.
Đốt rác tại đây gây nguy hiểm cho người đi trên đường trục phía Nam. |
Môi trường bẩn vẫn chuẩn NTM
Ngày 16/4/2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 491/QĐ-TTg, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; về hạ tầng kinh tế - xã hội; về kinh tế và tổ chức sản xuất; về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị. Theo đó, Bộ tiêu chí đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể.
Trong 19 tiêu chí, tiêu chí về môi trường xếp thứ 17 bao gồm các nội dung: Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; Các cơ sở sản xuất – kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Tuy không đảm bảo môi trường, nhưng xã Cự Khê vẫn đạt chuẩn NTM. |
Xét 19 tiêu chí, xã Cự Khê đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, chỉ cần xét đến tiêu chí môi trường thì việc xã Cự Khê đạt chuẩn NTM đã có vấn đề.
Ông Đinh Mạnh Duy, Cán bộ phụ trách môi trường xã Cự Khê, cho rằng: Trên địa bàn xã có nghề làm miến, tương nhưng không đổ rác ra khu cổng làng thôn Hạ. Rác đổ ra đó là rác sinh hoạt.
Tuy nhiên cũng theo ông Duy, thì xã Cự Khê đã có đơn vị thu gom vận chuyển rác sinh hoạt vào thứ 2 – 4 - 6, đó là Công ty môi trường Thăng Long. Xã chỉ thu phí vệ sinh môi trường của người dân, đóng góp vào ngân sách để huyện trả cho đơn vị này.
“Cái khó là xã Cự Khê chưa có điểm tập kết rác, xã muốn phía công ty môi trường vận chuyển trực tiếp rác về Cầu Lẩy – Thanh Mai. Nhưng, nhân viên thu gom lại muốn nâng phí xăng dầu vận chuyển. Xã cũng đã đề nghị cả với ban quản lý của huyện Thanh Oai về công tác thu gom rác”, ông Duy nói.
“Công ty có việc nâng chi phí thu gom rác, đó là thỏa thuận riêng với xã Cự Khê, nhưng không thể đưa rác về Cầu Lẩy vì dân xã Thanh Mai đang rất bức xúc, và huyện Thanh Oai cũng không cho phép làm vậy. Thứ hai là kinh phí thành phố đang giao thiếu, chỉ được 50% chi phí, tiền của các xã trả cho xe công nông là quá ít. Như ở Cự Khê có 15km thì chỉ được phép thu gom ở 7km, còn lại phải bỏ lại vì không có tiền. Sắp tới tôi cũng đề nghị phần kinh phí còn thiếu thì xã, hoặc huyện phải bỏ ra để thu gom. Đó là bất cập của toàn thành phố chứ không phải của riêng Cự Khê”, Nguyễn Duy Tuấn, Phó giám đốc Công ty môi trường Thăng Long.