GS.TS Đặng Kim Chi, Hội đồng Khoa học Công nghệ, Giáo dục và Môi trường, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, theo Báo cáo Môi trường Quốc gia 2016 lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trong cả nước tăng trung bình khoảng 12 % /năm. Hiện nay, trên cả nước chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn /ngày. Mục đích của việc xử lý chất thải nhằm chuyển chất thải sang một dạng khác ít độc hại hơn, dễ kiểm soát hơn, chuyển chất thải thành chất khác có thể sử dụng có ích, làm giảm thể tích hoặc khối lượng nhằm lưu giữ được nhiều hơn và lưu giữ tạm thời để chờ đợi công nghệ phù hợp.
Hiện công nghệ xử lí CTR thu hồi năng lượng, giảm thiểu chôn lấp CTR đang là xu thế chung của thế giới và cần được quan tâm, phát triển tại Việt Nam. 5 nhóm tiêu chí chung được sử dụng để đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn là: Hiệu quả xử lý ô nhiễm; Chi phí kinh tế; Trình độ hiện đại của thiết bị và công nghẹ xử lý, vận hành, tiện lợi; Phù hợp với điều kiện Việt Nam; An toàn về mặt môi trường. Tùy thuộc từng loại hình công nghệ xử lý mà mức độ ưu tiên các tiêu chí sẽ khác nhau. Cần lựa chọn các địa phương có lượng rác lớn để thực hiện phương án điện rác chứ không nên thực hiện tại mọi địa phương bởi lẽ nếu không cần phải xử lý lượng lớn rác sẽ gây phung phí nguồn vốn lắp đặt, vận hành.
Đốt chất thải phát điện cần vốn đầu tư lớn nhất tuy nhiên, việc đầu tư ban đầu sẽ tạo ra lợi ích kinh tế từ việc thiết kế, xây lắp, lắp đặt nhà máy đốt rác tạo năng lượng. Làm đa dạng nguồn cung cấp năng lượng, tạo nguồn thu từ việc bán năng lượng tái tạo từ đốt rác. Giảm chi phí chiếm dụng đất dành cho chôn lấp. Không phát sinh nhiều chi phí xử lý nước rỉ rác, mùi hôi sinh ra từ chôn lấp. Hiện phương pháp đốt khép kín nên không phát tán mùi khó chịu ra ngoài, đốt ở nhiệt độ cao, có hệ thống xử lí khí thải đạt yêu cầu. Chi phí đầu tư của những công nghệ này cao, tuy nhiên có nguồn thu từ việc bán năng lượng sẽ làm giảm chi phí vận hành và tăng khả năng thu hồi vốn.