<div> <div> </div> <p style="text-align: justify;">Tạp chí Science vừa công bố nghiên cứu mới, xác nhận SARS-CoV-2 đã đột biến với tốc độ lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới và nhạy cảm hơn với vắc xin.</p> <p style="text-align: justify;">Chủng virus SARS-CoV-2 mới có tên gọi D614G, đã xuất hiện ở châu Âu từ đầu năm và hiện trở thành chủng virus phổ biến nhất thế giới.</p> <p style="text-align: justify;"><img alt="Đột biến SARS-CoV-2 mạnh gấp 10 lần ban đầu, lan khắp thế giới" src="https://khds.1cdn.vn/2020/12/03/vnn-imgs-f-vgcloud-vn_dot-bien-sars-cov-2-manh-gap-10-lan-ban-dau-lan-khap-the-gioi.jpg" title="Đột biến SARS-CoV-2 mạnh gấp 10 lần ban đầu, lan khắp thế giới" /></p> <p class="t-c" style="text-align: justify;"><em>Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến nhưng hiện D614G là chủng mạnh nhất, lây lan nhiều nhất</em></p> <p style="text-align: justify;">Nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (UNC) và Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ cho thấy, chủng D614G mạnh hơn chủng nguyên thủy tại Vũ Hán, Trung Quốc đến 10 lần, sao chép nhanh hơn và dễ lây truyền hơn.</p> <p style="text-align: justify;">Giáo sư dịch tễ học Ralph Baric, ĐH UNC cho biết, D614G sao chép cực kỳ hiệu quả trong các tế bào biểu mô mũi chính, đó là vị trí quan trọng khiến SARS-CoV-2 dễ lây nhanh từ người sang người.</p> <p style="text-align: justify;">Giáo sư Baric là người đã có kinh nghiệm nghiên cứu về chủng coronavirus hơn 30 năm qua, là người có đóng góp lớn trong việc phát triển thuốc Remdesivir, phương pháp điều trị Covid-19 đầu tiên được FDA chấp thuận.</p> <p style="text-align: justify;">SARS-CoV-2 có những chiếc gai giống như vương miện. Đột biến D614G khiến một nắp trên chiếc vương miện mở ra, cho phép virus dễ dàng xâm nhập vào các tế bào, đồng thời cũng là đường dẫn khiến nó dễ bị tổn thương hơn nếu có kháng thể từ vắc xin.</p> <p style="text-align: justify;">Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Baric cho biết, protein tăng đột biến ban đầu có chữ D, sau đó được thay thế bằng chữ G. Khi sử dụng phương pháp di truyền ngược, nhóm nghiên cứu phát hiện virus đột biến không chỉ sao chép nhanh 10 lần mà còn có khả năng lây nhiễm nhanh hơn nhiều.</p> <p style="text-align: justify;">Thực hiện thí nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu chia thành 2 lô, mỗi lô 8 con. Lô đầu tiên, thả 1 con chuột nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng Vũ Hán cạnh 8 con chuột không nhiễm bệnh, 2 ô có tấm ngăn nhưng không khí vẫn có thể lọt qua. Lô thứ 2 áp dụng tương tự nhưng một con chuột nhiễm đột biến D614G.</p> <p style="text-align: justify;">Kết quả, với D614G, ngay ngày thứ 2 đã có tới 6 con chuột trong lô tiếp xúc gần nhiễm bệnh và đến ngày thứ 4, cả 8 con đều mắc Covid-19.</p> <p style="text-align: justify;">Với chủng virus nguyên bản, dù đến ngày thứ 4 cả 8 đều nhiễm bệnh nhưng 2 ngày trước đó không có con nào mắc.</p> <p style="text-align: justify;">“Chúng tôi nhận thấy D614G lây truyền trong không khí mạnh hơn chủng gốc, điều này giải thích tại sao chủng virus này lại chiếm ưu thế ở cộng đồng”, Giáo sư Kawaoka, phòng thí nghiệm Baric cho biết.</p> <p style="text-align: justify;">Dù lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn song các nhà nghiên cứu không phát hiện D614G gây bệnh nặng hơn trên động vật thí nghiệm. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên người có thể khác.</p> <p style="text-align: justify;">Giáo sư Baric nhìn nhận, SARS-CoV-2 là một tác nhân gây bệnh hoàn toàn mới cho con người và sự tiến hóa của nó trong quần thể người là điều khó dự đoán.</p> <p style="text-align: justify;">Các biến thể mới liên tục xuất hiện, như biến thể virus SARS-CoV-2 mang tên cluster 5 từ chồn vừa được phát hiện tại Đan Mạch cũng có mã hóa D614G.</p> <p style="text-align: justify;">“Để bảo vệ tối đa sức khỏe cộng đồng, chúng ta phải tiếp tục theo dõi và hiểu rõ từng đột biến để có thể xác định rõ khả năng miễn dịch của chúng với vắc xin”, GS Baric nói.</p> <p style="text-align: justify;"><em>(Theo Sciencedaily)</em></p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>