Theo thông báo, thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung và tài liệu đại hội sẽ được chuyển tới cổ đông có tên trong danh sách chốt và sẽ được đăng tải công khai trên trang web của ngân hàng. Tuy nhiên, không ít cổ đông băn khoăn về chương trình, nội dung đại hội này. Bởi hiện vụ án xét xử lãnh đạo chủ chốt của Đông Á vẫn chưa xong.
DongABank bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 8-2015 cho đến nay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cử người đảm đương các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại ngân hàng.
Theo kết luận điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát, DongABank đã lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỷ đồng vào cuối năm 2015. Vì vậy, theo quy định về kiểm soát đặc biệt, ngân hàng phải tập trung vào xử lý nợ, không được phát triển tín dụng và không nhận tái cấp vốn của NHNN.
Theo thông tin đăng tải trên trang web, DongABank thông báo trong năm 2017 và 8 tháng đầu năm 2018 đã thu hồi được 9.100 tỷ đồng nợ xấu (cả gốc và lãi), bằng 53,3% kế hoạch xử lý nợ xấu của 5 năm (2016-2020). Theo kế hoạch, hết năm 2020 ngân hàng phải xử lý được 17.100 tỷ đồng nợ xấu.
Thu hồi nợ xấu giúp tài chính DongABank bớt xấu, nhưng không đủ để thay đổi bản chất ngân hàng không còn vốn. Để tiếp tục hoạt động, các cổ đông phải bỏ đầu tư thêm ít nhất là 3.000 tỷ đồng theo quy định về vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại cổ phần.
Trước thực trạng trên, giới tài chính cho rằng, lý do triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường có thể là bàn về phương án huy động vốn. Nếu cổ đông không đồng ý tăng vốn, nộp thêm tiền, họ có thể mất quyền kiểm soát với ngân hàng do đang âm vốn chủ sở hữu.
Để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, theo quy định về kiểm soát đặc biệt ngân hàng yếu kém, Nhà nước có thể quyết định cho phép một ngân hàng khác tiếp nhận, quản lý điều hành hoặc chuyển giao bắt buộc cho một ngân hàng khác.