Động đất xảy ra nơi chưa từng có động đất?
Trưa 13/3, ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cho biết: Khoảng 3h sáng nay, nhiều người dân sinh sống ở khu vực thị trấn và các xã lân cận kể đã cảm nhận được hai lần rung chấn từ lòng đất, mỗi lần cách nhau chừng 5 phút. Trận động đất ở mức độ nhẹ, đồ đạc trong các căn nhà không bị xáo trộn. Chưa ghi nhận thiệt hại nào liên quan sau rung chấn. Tuy nhiên, đối với huyện Thường Xuân chưa từng ghi nhận có động đất, nên sáng ra nhiều người dân bàn tán khá xôn xao.
Cũng theo Trung tâm báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Viện Vật lý địa cầu thông báo, vào hồi 03 giờ 08 phút 00 giây (giờ Hà Nội) ngày 13 tháng 03 năm 2018 một trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.766 vĩ độ Bắc, 105.339 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, ở Thường Xuân không phải chưa có động đất, cụ thể đã xảy ra trận động đất vào hồi 11 giờ 00 phút 35.2 giây (giờ GMT) ngày 20 tháng 10 năm 2016 tức 18 giờ 00 phút 35.2 giây (giờ Hà Nội) ngày 20 tháng 10 năm 2016 một trận động đất có độ lớn M = 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.926 độ vĩ Bắc,105.342 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 15 km. Do đó, thông tin khu vực này chưa từng có động đất là không chính xác.
“Có thể các trận động đất nhỏ xảy ra nhưng người dân không cảm nhận được và cũng không gây thiệt hại gì, chỉ có máy móc, các thiết bị quan trắc mới đo đạc được. Điều này không có nghĩa là khu vực đó chưa từng xảy ra động đất. Ở Thanh Hóa là khu vực có các đứt gãy đang hoạt động và động đất đã xảy ra gần đây tại Quan Sơn, Vĩnh Lộc, gần biên giới Việt – Lào… Các trận động đất gần đây đều yếu, có cả các trận mà chỉ có thiết bị mới đo đạc được”, TS Nguyễn Xuân Anh cho biết.
Có đứt gãy, có động đất
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, về cơ bản, một nơi chưa bao giờ xảy ra động đất cũng có thể xảy ra động đất. Điều này được lý giải là động đất mang tính chu kỳ. Khi năng lượng tích lũy đủ thì nó sẽ làm dịch chuyển các khối đất đá tạo ra động đất.
Khi không còn năng lượng thì nó “ngủ yên”. Các trận động đất có đặc điểm là chỉ phát sinh trên các đứt gãy. Nếu khu vực không có đứt gãy địa chất nào thì sẽ không có khả năng xảy ra động đất.
“Ví dụ như các cồn cát ven biển, do cấu tạo địa chất là chỉ có cát nên gần như không bao giờ phát sinh động đất ở khu vực này. Ngược lại, ở các vùng có cấu tạo địa chất nhiều lớp đất đá thì mới có trượt lở, các đứt gãy hoạt động thì mới phát sinh động đất.
Tuy nhiên, một nơi chưa bao giờ có động đất vẫn có khả năng xảy ra động đất do hoạt động địa chất mang tính tích lũy năng lượng, đến một lúc nào đó, khi tích lũy đủ mới bùng nổ và phát sinh động đất”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương thì hiện các nhà khoa học đã xây dựng được bản đồ các đứt gãy hoạt động và xác định được nơi nào không có đứt gãy. Do đó, việc xác định một địa điểm nào có khả năng xảy ra động đất hay không là khá đơn giản. Thông thường thì nơi không có đứt gãy thì hiếm có khả năng xảy ra động đất. Về trận động đất ở Thường Xuân (Thanh Hóa) là xảy ra trên đứt gãy đang hoạt động chứ không phải là nơi đây chưa bao giờ phát sinh động đất như một số phương tiện truyền thông thông tin.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, động đất xảy ra hằng ngày trên Trái Đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại. Trong hầu hết trường hợp, động đất tự nhiên là chuỗi các vụ động đất có cường độ khác nhau, kéo dài trong thời gian nhất định.
Bảo Khánh