<div> <p>Tối 21/5, nhiều người dân Hà Nội cảm nhận sự rung lắc do ảnh hưởng của động đất. Anh Quang Minh, người dân sống tại chung cư cao tầng trên đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), cho biết anh cảm thấy rung lắc mạnh kéo dài khoảng 5 giây rồi kết thúc.</p> <p>Sau đó, các dư chấn lặp lại ngắt quãng khoảng 2-3 phút rồi kết thúc.</p> <p>Nhiều người ở các tòa nhà cao tầng khác ở Hà Nội cũng cảm nhận được việc này.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="dong dat o Ha Noi anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/05/21/znews-photo-zadn-vn_dali_copy.jpg" title="động đất ở Hà Nội ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Tâm chấn (chấm đỏ) của trận động đất tối 21/5 nằm ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: <em>USGS. </em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trao đổi với <em>Zing</em>, ông Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Cảnh báo động đất và sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, cho biết lúc 20h48, một trận động đất mạnh 5,8 độ richter xảy ra ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).</p> <p>Độ sâu chấn tiêu khoảng 28 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1 ở vùng chấn tâm.</p> <p>Hà Nội nằm trong vùng dư chấn từ trận động đất này nên người dân cảm nhận được rung lắc.</p> <p>Trong khi đó, theo dữ liệu từ trang <em>earthquake.usgs.gov</em>, tối 21/5, hàng loạt trận động xảy ra gần Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc), trận lớn nhất là 6,1 độ. Với độ lớn này, động đất gây ảnh hưởng tới nhiều quốc gia lân cận như Ấn Độ, Myanmar, Lào, Việt Nam.</p> <div class="notebox ncenter"> <p>Hà Nội từng nhiều lần chịu dư chấn từ các trận động đất ở khu vực Tây Bắc như Sơn La, Cao Bằng... Theo các chuyên gia, thành phố khó xảy ra động đất trực tiếp mà chỉ là nơi hứng chịu dư chấn. Do đó, người dân không nên quá lo lắng vì các dư chấn này chỉ gây ra rung lắc. Tất cả các công trình xây dựng hiện đại ở Hà Nội đều được kiểm soát tốt, có thể đảm bảo các điều kiện an toàn theo từng phân vùng nguy cơ xảy ra động đất.</p> </div> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <strongutton></strongutton></div> <p> </p>