Theo đó, tốc độ sụt lún, sạt lở tại các vùng ĐBSCL diễn ra ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL đang sụt lún với tốc 5,7cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35mm/năm). Có tới gần 700 điểm sụt lún nghiêm trọng, mỗi năm mất đi ít nhất từ 500 - 550ha đất.
Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng trên, đó là khai thác cát quá mức và sự thay đổi thủy văn của dòng sông Mê Kông.
Cụ thể, trong hơn 20 năm qua, các đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng từ phía thượng nguồn đã chặn cát cùng với phù sa, khiến hàm lượng bùn cát trên sông Mê Kông chảy xuống đồng bằng giảm xuống hơn 50%.
Phía trên chặn cát, cấu trúc nền đất phía dưới ĐBSCL dần tan rã. Kèm với đó là tình trạng khai thác cát tràn lan tại ĐBSCL gây ra tình trạng sông “đói” cát bù đắp, gây sạt lở làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho cả đất cư trú, đất sản xuất và đất rừng phòng hộ ven biển.
Dự kiến, các tỉnh ĐBSCL sẽ cần khoảng 41.000 tỷ đồng để đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển. Trong đó, rà soát những nội dung ưu tiên để đề xuất đầu tư trong nguồn vốn của Bộ NN&PTNT khoảng 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.