Đông ấm vùng biên

Mùa đông này các em nhỏ tại điểm trường mầm non vùng biên thuộc xã Sơn Điện, Quan Sơn, Thanh Hóa, không còn phải học trong những lớp học bằng tranh nứa, gió lùa heo hút. Báo Khoa học & Đời sống đã cùng nhóm Ngôi trường ước mơ (NTUM) chung tay xây dựng cho các con những lớp học mới khang trang, sạch đẹp và ấm áp…

Xóa lớp học tre nứa

Điểm trường mầm non bản Sủa thuộc trường mầm non xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa nằm trên địa bàn xã vùng biên còn nhiều khó khăn, dân cư chủ yếu là người Mường. Cách biên giới với Lào chỉ vài km, điểm trường này dành cho học sinh mầm non của 3 bản Sủa, Na Phường, Na Hồ.

Lớp học cũ bằng tranh nứa quây bạt sơ sài

Từ trường chính vào điểm trường là 12km, đi qua 2 cây cầu bằng luồng do dân tự làm để đưa trẻ đến được lớp. Nếu thời tiết thuận lợi, xe máy có thể vào được tận nơi, còn ngày mưa phải đi bộ, có khi cả nửa ngày mới vào đến trường. Đường đi là đường dân sinh, chủ yếu là đất đỏ nên rất trơn và khó đi.

Mùa mưa lũ về, những cây cầu mỏng mảnh bằng tre luồng bị cuốn phăng, không còn gì kết nối những bản nhỏ này với bên ngoài khiến cho nơi đây trở nên biệt lập, không đường vào. Việc mỗi năm dựng vài ba cây cầu như vậy với người dân nơi đây dường như đã trở thành chuyện quá đỗi quen thuộc.

Ở một nơi khó khăn như vậy, việc dạy và học của cô trò 4 lớp mầm non với tổng số học sinh 77 cháu, cũng chỉ trong những lớp học hết sức tạm bợ, hoàn toàn là tranh tre nứa lá, trên nền đất. Các phòng học được quây thêm bạt dứa để tránh mưa nắng, điều kiện sinh hoạt, học tập rất khó khăn.

Trước thực trạng đó, Báo Khoa học & Đời sống đã cùng nhóm Ngôi trường ước mơ chung tay xây dựng điểm trường này với 4 phòng học rộng rãi, đảm bảo an toàn và ấm áp.

4 lớp học mới được xây dựng khang trang trên nền lớp học tranh nứa cũ

Với tổng chi phí hơn 200 triệu đồng, các lớp học được thiết kế lắp ghép trên nền bê tông, lợp mái tôn 3 lớp chống nóng, vách ghép bằng tôn panel chống nóng, sàn lát gạch men. Công trình đã hoàn thành đúng dự kiến và được  đưa vào sử dụng từ tháng 12/2017, để các con có lớp học mới trước khi gió rét mùa đông đến.

Ngày hội của dân bản

Ngày khánh thành trường mới thực sự trở thành ngày hội của cả ba bản Sủa, Na Phường, Na Hồ khi dân bản đến rất đông vui, nét mặt ai cũng rạng tươi nụ cười. Nhất là các em nhỏ, dù chưa biết diễn tả cảm xúc vui mừng khi có trường, lớp mới, nhưng ánh mắt, nụ cười, sự hoạt náo nô đùa ở sân trường với các trò chơi cho thấy các con vui thế nào.

Được hỏi đến, bạn nào dạn lắm thì toe toét cười, những bạn còn nhút nhát thì nép vào áo bà, áo mẹ nhưng cũng chỉ một chốc là chạy nô cùng các bạn, chơi bập bênh, xích đu, cầu trượt… Tiếng cười nói rộn ràng…

Ngày khánh thành trường mới thực sự trở thành ngày hội của dân bản

Cô gái trẻ Ngân Thị Hương, 20 tuổi, người bản Sủa, đã là mẹ của hai đứa con, bé lớn Hà Thị Ngọc Ánh lên 2, đang học lớp nhà trẻ ở trường. Hương tươi cười rạng rỡ khi được hỏi cảm nhận về ngôi trường mới: “Con em thích đi học lắm, mà ngày mưa lạnh toàn phải để ở nhà. Nó ở nhà lại không trông được đứa em, bận lắm. Có trường mới đẹp thế này thì ngày nào cũng cho đi. Nó thích mà”.

“Con em thích đi học lắm, mà cứ mưa lạnh toàn phải để ở nhà…”

Bà Lương Thị Đĩnh, ở bản Na Phường, cũng không giấu nổi sự vui mừng khi thấy cô cháu nội Mai Hương đang theo lớp 4 tuổi, từ nay có thể đến lớp mỗi ngày. Bà Đĩnh chia sẻ: “Vui lắm, mừng lắm. Trước học lớp cũ lạnh quá thì thương cháu không cho đi, chứ mà lớp đẹp, ấm thế này cho đi còn yên tâm hơn ở nhà chả ai trông, lại rét mướt khổ sở…”

Bà Đĩnh chia sẻ: “…lớp đẹp ấm thế này cho cháu đi học còn yên tâm hơn”

Cô hiệu trưởng Vi Thị Chiến vui mừng chia sẻ: “Dân địa phương ở cả 3 bản Sủa, Na Phường, Nà Hồ đều vui, chị em giáo viên cũng mừng lắm khi có đủ 4 lớp học mới sạch đẹp, khang trang, ấm áp cho các con”.

Cô giáo Hà Thị Vân, lớp nhà trẻ độ tuổi 18-24 tháng, bận tíu tít với việc sắp xếp các con cũng góp thêm nụ cười tươi khi được hỏi cảm nghĩ về trường mới: “Thế này thật sự quá phấn khởi. Lớp em toàn các con bé tí ti, trời lạnh thương lắm, gió cứ rít như giữa đồng không mông quạnh, cảm giác che chắn thế nào cũng không đủ ấm. Lớp học mới kín gió, lại được lát gạch men sạch sẽ, được trang bị thảm, chăn đệm ấm áp cho các con nên giáo viên cũng an tâm nhiều”.

Chị Vi Thị Trọng, phó trưởng phòng giáo dục huyện Quan Sơn, phụ trách bậc học mầm non, cho biết cả huyện có 43 điểm mầm non, hầu hết các điểm trường đều đang dạng gỗ, tranh tre lá nứa. Chỉ mới hơn 30% được xây dựng theo chương trình 20 của Chính phủ, chương trình xóa phòng học tranh tre.

Hầu hết các lớp học ở các điểm lẻ là bằng tranh tre, chủ yếu do dân tự đóng góp làm nên. “Đi đến các điểm trường thấy nhiều lớp học bằng liếp, tranh nứa, thương các con lắm, nhất là mùa đông gió lạnh. Nay nhìn thấy trường mới cho các con khang trang mừng lắm, ước gì ở tất cả các điểm trường các con được học trong những phòng học thế này. Trẻ mầm non học thông qua chơi nhưng ở đây chủ yếu chỉ là cô trông trẻ chứ chả có gì chơi”.

Những nụ cười rạng rỡ ngày khánh thành trường mới

“Nay được Báo KHĐS và NTUM hỗ trợ xây trường mới, lại trang bị đầy đủ bàn ghế, thảm sàn, chăn đệm, quần áo ấm cho các con, thật mừng lắm”. Chị Trọng chỉ về phía sân trường nơi dân bản tập trung rất đông: “Đấy em xem, nhân dân phấn khởi có khác gì là ngày hội của cả bản không, ai cũng vui náo nức thế kia”.

“Đầu tư xây dựng lớn phải có các chương trình của Nhà nước, còn ngân sách của huyện chỉ có thể sửa chữa nhỏ lẻ. Những năm gần đây Quan Sơn được nhiều tổ chức cộng đồng quan tâm hỗ trợ, nhưng để xây dựng được một điểm trường lớn thế này thì đây là điểm đầu tiên, cùng với một điểm nữa cũng của NTUM xây. Quan Sơn mong sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cộng đồng để xóa được các lớp học tranh tre nứa lá”, chị Vi Thị Trọng chia sẻ.

An Lê

Theo Đời sống
back to top