<div> <p>Hai loại thuốc đắt tiền này là Herceptin và Perjeta có giá hơn 45 triệu đồng và 36 triệu đồng mỗi lọ. Đơn thuốc này được chia sẻ trong một nhóm bệnh nhân ung thư đã khiến nhiều người bệnh lo lắng về chi phí điều trị bệnh. </p> <p>Một bệnh nhân trong nhóm cho biết, hiện chi phí điều trị ung thư vú của chị được bảo hiểm y tế thanh toàn một phần, chỉ tự chi trả khoảng 7-10 triệu đồng mỗi tháng. Chi phí này hàng tháng cũng đủ khiến gia đình chị gặp khó khăn tài chính.</p> <p>Nhiều bệnh nhân cho rằng bác sĩ điều trị đang lạm dụng kê toa thuốc đắt tiền. Với giá trị đơn thuốc này, sẽ rất ít bệnh nhân có thể theo đủ liệu trình điều trị.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Đơn thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K. " src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/01/1-6724-1575448818.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Đơn thuốc giá gần 130 triệu đồng bác sĩ kê cho bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K. </p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Bác sĩ Đỗ Thị Thanh Mai là người kê toa thuốc này cho bệnh nhân ung thư vú 35 tuổi. Bác sĩ Mai cho biết đây là đơn thuốc lần một trong phác đồ điều trị. Bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 2, đã được phẫu thuật cắt một bên vú.</p> <p>Theo bác sĩ Mai, phác đồ cho bệnh nhân ung thư vú mới nhất được Bộ Y tế phê duyệt đầu năm, trong đó 2 thuốc đắt nhất trong đơn thuốc nói trên có thể dùng trong 2 trường hợp. Một là giai đoạn sớm để điều trị bổ trợ, hai là dùng cho giai đoạn di căn.</p> <p>Bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 1-3, sau khi phẫu thuật cắt u, kết quả xét nghiệm máu miễn dịch HER3+ sẽ được chỉ định dùng kết hợp 2 thuốc điều trị đích là Herceptin và Perjeta. Tại Bệnh viện K, bệnh nhân có điều kiện và ở giai đoạn di căn mới dùng thuốc nói trên.</p> <p>"Bệnh nhân đồng ý kê đơn thuốc này sau khi được tôi tư vấn và hoàn toàn tự nguyện điều trị theo phác đồ", bác sĩ Mai nói.</p> <p>Phác đồ là bệnh nhân này phải điều trị 18 đợt hóa chất, 3 tuần sẽ gặp bác sĩ một lần truyền 2 ngày rồi về nhà nghỉ ngơi. Đơn thuốc cho đợt truyền đầu tiên là liều tấn công nên lượng Perjeta và Herceptin cao hơn những lần sau. Từ lần thứ hai, đơn thuốc còn khoảng 60 triệu đồng, chưa tính phần hỗ trợ của bảo hiểm y tế. Những liều tiếp đó, giá tổng toa thuốc sẽ càng giảm.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú ở Bệnh viện K. Ảnh: Lê Nga." src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/01/ung-thu-vu-1-5601-1575451760.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân ung thư vú ở Bệnh viện K. Ảnh: <em>Lê Nga.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Bác sĩ Mai khẳng định: "Khi tư vấn, bác sĩ luôn đưa ra phác đồ tốt nhất cho bệnh nhân lựa chọn tùy theo điều kiện kinh tế. Bệnh nhân không có điều kiện có thể chỉ truyền một trong 2 thuốc. Nếu khó khăn nữa, có thể dùng các thuốc có thành phần tương tự".</p> <p>Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Phó giám đốc Bệnh viện K, khẳng định đơn thuốc này được bác sĩ điều trị kê hoàn toàn đúng theo phác đồ của Bộ Y tế. Thuốc Herceptin được bảo hiểm y tế thanh toán 60%, thuốc Perjeta chưa được bảo hiểm hỗ trợ.</p> <p>Theo bác sĩ Quảng, không phải điều trị bằng thuốc đắt tiền mới khỏi bệnh ung thư. Tuy nhiên, bệnh nhân có điều kiện kinh tế có thể chọn dùng thuốc đắt tiền cũng là <a href="https://vnexpress.net/suc-khoe/don-thuoc-chua-ung-thu-gia-130-trieu-dong-4022225.html">chuyện bình thường</a>.</p> <p><strong>Lê Nga</strong></p> </div> <p> </p>