Đối tượng dễ mắc ung thư đại trực tràng, cần phát hiện sớm

Mỗi năm Việt Nam có gần 17.000 ca mắc mới ung thư đại trực tràng nên các đối tượng nguy cơ cần cách tầm soát phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Theo thống kê của Tổ chức ghi nhận Ung thư toàn cầu GLOBOCAN, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới với hơn 1,9 triệu ca mắc mới trong năm 2022. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 4, với tỷ lệ mắc mới là 16.835 ca và tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng là 8.454 trường hợp.

Đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng

Ung thư trực tràng thuộc một trong những bệnh ung thư nguy hiểm của hệ tiêu hóa, nằm trong top 10 bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới và đứng thứ 4 trong danh sách nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chỉ sau ung thư phổi, dạ dày và gan.

Dấu hiệu ung thư trực tràng thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Vì vậy, ung thư trực tràng thường khiến mọi người lo lắng. Tuy nhiên, bệnh này nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có tỷ lệ chữa khỏi khá cao.

Chế độ dinh dưỡng tăng cường chất xơ để phòng tránh bệnh - Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng tăng cường chất xơ để phòng tránh bệnh - Ảnh minh họa

Đối tượng có yếu tố nguy cơ bị bệnh bao gồm:

Yếu tố di truyền: Khối u ác tính tại trực tràng xuất hiện khi có sự biến đổi của một số gene nhất định, liên quan đến một số hội chứng di truyền như bệnh đa polyp trực tràng gia đình (FAP), hội chứng ung thư trực tràng di truyền không polyp (HNPCC hoặc hội chứng Lynch). (4)

Các tổn thương tiền ung thư: Viêm trực tràng chảy máu, Bệnh Crohn, Polyp trực tràng…

Yếu tố dinh dưỡng: Chế độ ăn nhiều thịt, mỡ động vật, ít chất xơ, thiếu vitamin, hoặc thực phẩm có chứa nitrosamin…

Mặc dù y học hiện tại vẫn chưa tìm ra được cơ chế và nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư trực tràng, nhưng có một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng ung thư trực tràng, bao gồm:

Tuổi tác: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư trực tràng tăng theo tuổi tác. Độ tuổi trung bình được chẩn đoán ung thư trực tràng thường khoảng 50 60 tuổi. Tuy nhiên, người trẻ tuổi vẫn sẽ có nguy cơ mắc bệnh, nhưng thấp hơn người lớn tuổi.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống quá nhiều thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu, gan,…), đồ ăn chế biến sẵn (xúc xích, thịt đóng hộp,…) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Thêm vào đó, việc chế biến thực phẩm ở nhiệt độ quá cao (chiên, nướng,…) sẽ tạo ra các hóa chất có hại, làm tăng nguy cơ ung thư.

Việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp đào thải chất thải ra bên ngoài, giảm đi 40% nguy cơ polyp trực tràng.

Giới tính: Ung thư trực tràng thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Thừa cân hoặc béo phì: Có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, cũng như nguy cơ tử vong vì ung thư cao hơn. Tình trạng này xảy ra ở cả hai giới, nhưng nguy cơ ở nam giới sẽ cao hơn nữ giới.

Hút thuốc: Những người thường xuyên hút thuốc lá trong một thời gian sẽ có nguy cơ mắc và tử vong do ung thư trực tràng cao hơn những người không hút thuốc.

Uống nhiều rượu bia: Việc lạm dụng rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Lượng rượu bia được khuyến nghị là ≥ 2 cốc/ngày ở nam giới và 1 cốc/ngày ở nữ giới (đơn vị tính là cốc tiêu chuẩn chứa khoảng 14 gram cồn).

Lối sống ít vận động: Càng ít hoạt động thể chất càng tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch tập luyện thể dục thể thao hợp lý, vừa sức để loại bỏ các nguy cơ gây bệnh.

Hội chứng di truyền: Có khoảng 5% người bệnh do hội chứng di truyền, trong đó hai hội chứng phổ biến nhất là hội chứng Lynch (ung thư trực tràng di truyền không phát sinh polyp-HNPCC) và đa polyp gia đình (FAP).

Ngoài ra, có một số hội chứng hiếm gặp khác cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư là hội chứng Peutz-Jeghers (PJS) và đa polyp có liên quan đến gen MUTYH (MAP). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các hội chứng di truyền này không chỉ liên quan đến ung thư trực tràng, mà còn liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác.

Tiền sử bệnh lý của bản thân: Người bệnh sẽ tăng nguy cơ ung thư nếu có tiền sử mắc các bệnh lý sau:

Mắc bệnh ung thư trực tràng trước đó; Polyp tuyến nguy cơ cao kích thước polyp 1cm hoặc tế bào của polyp có hình dạng bất thường dưới kính hiển vi; Ung thư buồng trứng; Bệnh viêm ruột (IBD) như viêm loét trực tràng, bệnh Crohn…

Tiền sử bệnh lý gia đình: Người có cha mẹ, anh chị em ruột có tiền sử mắc ung thư trực tràng thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ tăng lên nếu gia đình có người mắc bệnh ở độ tuổi dưới 50, hoặc gia đình có nhiều người cùng bị bệnh. Đồng thời, nếu trong gia đình có thành viên từng polyp tuyến, người bệnh cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Cách sàng lọc phát hiện sớm bệnh

Dữ liệu từ Viện Ung thư Quốc gia (US) (NCI) cho thấy khoảng 68% người mắc bệnh ung thư trực tràng vẫn sống bình thường sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tiên lượng thời gian sống sau khi điều trị ung thư trực tràng còn tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.

Vì vậy, tầm soát là cách để ngừa ung thư trực tràng tốt nhất. Bệnh ung thư trực tràng có tỷ lệ điều trị thành công cao nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, khách hàng tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời có thể vượt qua bệnh và trở lại cuộc sống bình thường.

Để chẩn đoán bệnh ung thư trực tràng, đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám ban đầu, ghi nhận thêm các thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh lý của người bệnh, tiền sử bệnh lý gia đình,…

Dựa vào các thông tin thu thập được, trong trường hợp nghi ngờ khối u ác tính xuất hiện ở trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.

Siêu âm ổ bụng: việc phát hiện khối u nằm trong khung trực tràng rất khó bởi đường tiêu hóa sẽ cản trở siêu âm. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ góp phần phát hiện các dấu hiệu cảnh báo gián tiếp như thành trực tràng dày, tắc ruột,…

Xét nghiệm máu trong phân: máu trong phân có thể gặp khi có polyp, ung thư hoặc một số bệnh lý khác của trực tràng.

Chụp cắt lớp vi tính CT Scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: nhằm phát hiện đặc điểm hình dạng, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u, đồng thời phát hiện sự lan tràn của ung thư đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Nội soi trực tràng: đây là kỹ thuật để xem bên trong lòng trực tràng, có thể quan sát thấy polyp, vùng mô bất thường hoặc ung thư. Thông qua nội soi, người ta dùng thiết bị để có thể lấy mẫu mô bất thường để làm sinh thiết.

Sinh thiết: mẫu mô hoặc tế bào bất thường được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để tìm tế bào ác tính.

Nội soi giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh - Ảnh minh họa

Nội soi giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh - Ảnh minh họa

Cách điều trị ung thư trực tràng

Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp thường được sử dụng ở hầu hết các giai đoạn ung thư trực tràng. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể sẽ được tiếp tục hóa trị, xạ trị để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót.

Phần trực tràng ung thư và các hạch bạch huyết sẽ được cắt bỏ. Phẫu thuật nội soi giúp người bệnh tránh được những vết sẹo dài và rút ngắn thời gian phục hồi sau mổ, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm trùng. Trong một vài trường hợp cần thiết, phẫu thuật nội soi sẽ được kết hợp với phẫu thuật hở, tuy nhiên chỉ bằng một vết sẹo nhỏ.

Xạ trị: Xạ trị là biện pháp sử dụng các chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của chúng. Cách thức xạ trị sẽ được áp dụng tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư.

Với khối u ác tính ở trực tràng, xạ trị có thể được sử dụng kết hợp đồng thời với hóa trị cho điều trị trước phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật trong trường hợp bướu tiến triển tại chỗ hoặc có di căn hạch bạch huyết. Bên cạnh đó, xạ trị có thể được sử dụng trong trường hợp bệnh di căn đến xương, não…

Hóa trị: Hóa trị là biện pháp điều trị sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển, hoặc tiêu diệt, hoặc ngăn chặn sự phân chia của tế bào ung thư. Khi thuốc được uống hoặc dùng qua đường tĩnh mạch, thuốc sẽ đi vào máu và hướng đến các tế bào ung thư trong toàn cơ thể. Thuốc hóa trị sẽ được sử dụng tùy thuộc vào loại và giai đoạn ung thư.

Hóa trị kết hợp với các thuốc điều trị trúng đích được chỉ định cho người bệnh ung thư trực tràng tiến xa, có dấu hiệu di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể (như gan, phổi…) và không thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật đơn thuần.

Phương pháp này cũng được sử dụng sau phẫu thuật ung thư trực tràng để ngăn chặn nguy cơ tái phát bệnh, cũng như tăng cơ hội sống cho người bệnh nếu có dấu hiệu di căn tới hạch bạch huyết lân cận với vùng ung thư.

Điều trị đích: Biện pháp điều trị này sử dụng thuốc để nhắm đến và tiêu diệt các tế bào ung thư mang các đặc tính cụ thể.

Miễn dịch: Biện pháp điều trị này sử dụng chính hệ thống miễn dịch của người bệnh để chống lại bệnh ung thư.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư trực tràng

Người bệnh không thể ngừa ung thư trực tràng hoàn toàn nhưng áp dụng một số cách sau để giảm nguy cơ, bao gồm:

- Duy trì cân nặng phù hợp với thể trạng cơ thể.

- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút/ ngày.

- Tránh tiêu thụ thịt chế biến sẵn và lên thực đơn ăn uống cân bằng gồm protein, ngũ cốc nguyên hạt và nhiều rau xanh.

- Tránh uống đồ chứa nồng độ cồn.

- Không hút thuốc lá.

- Ngoài ra, việc tầm soát ung thư trực tràng định kỳ rất quan trọng giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trực tràng. Bởi, cách này giúp người bệnh có thể phát hiện polyp tiền ung thư và điều trị kịp thời.

ThS.BS Ngô Tuấn Phúc (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, TP HCM)

Theo VietnamDaily
back to top