Trong lễ khai giảng tại Trường đại học Y dược TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhắc nhở cần phải sớm đổi tên Trường ĐH Y dược TPHCM thành ĐH Sức khỏe TPHCM.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế đã có trao đổi với báo chí. Theo ông Lợi, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng ...
Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, TPHCM), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng).
Mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Và ở nước ngoài, cũng đã có một số mô hình ở lĩnh vực sức khỏe như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco), ...
Ông Lợi cho biết, cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TPHCM.
Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng
Mô hình này sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...
Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho rằng, tên gọi trường gắn với lịch sử, là tiềm thức của nhiều thế hệ. Cho nên, không nhất thiết phải đổi tên, mà tên gọi vẫn giữ là ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TPHCM, chỉ có mô hình là thay đổi thôi.
Trao đổi với KH&ĐS, giảng viên một trường ĐH chia sẻ, vị thế của một trường là ở trình độ, chất lượng mà cụ thể là trường đó được xếp ở thứ hạng nào, chứ không phải quá chú trọng vào tên gọi, thì vẫn mang nặng tính hình thức.