Triclosan gây loãng xương
Trên Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism ngày 25/6, nhóm nghiên cứu của ông Yingjun Li từ Trường Y tế Công cộng Hàng Châu (Trung Quốc) cho biết đã phân tích dữ liệu của 1.848 phụ nữ từ năm 2005 đến 2010 và phát hiện người có nồng độ triclosan cao dễ bị loãng xương. Bệnh loãng xương khiến giảm mật độ xương, từ đó tăng nguy cơ gãy xương, đau lưng hoặc giảm chiều cao. Triclosan là thành phần được sử dụng trong một số loại nước khử trùng tay, kem đánh răng, mỹ phẩm cũng như đồ dùng nhà bếp, đồ chơi, nội thất, quần áo. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), triclosan có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn.
Năm 2016, FDA bắt đầu ra lệnh hạn chế sử dụng triclosan vì nghi ngờ độ an toàn và hiệu quả của chất này. Tháng 4/2019, FDA chính thức cấm dùng triclosan cho các sản phẩm khử trùng tay không kê đơn ở Mỹ. Tuy nhiên, chất này vẫn hiện diện trong một số mặt hàng. Ông Yingjun Li cho rằng triclosan có thể tác động tiêu cực lên sức khỏe xương, một phần vì nó can thiệp vào chức năng của tuyến giáp. Trước nghiên cứu của ông Li, một số công trình cho thấy thường xuyên tiếp xúc với triclosan trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư da ở động vật, ảnh hưởng quá trình sinh sản và sự phát triển của trẻ nhỏ, thậm chí góp phần lây lan tình trạng kháng kháng sinh.
PGS.TS Phạm Văn Nho, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, triclosan là chất sát khuẩn đã được dùng khá lâu, từ năm 1972. Sau đó người ta phát hiện ra những tác hại của chất này nên nhiều nước đã cấm sử dụng. Mỹ phẩm có thành phần triclosan ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như loãng xương, rối loạn nội tiết, kháng vi khuẩn…
Không nên dùng mỹ phẩm có thành phần triclosan
PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu kiểm nghiệm các sản phẩm có triclosan trong danh mục các chất cấm và chất có giới hạn nồng độ hay hàm lượng. Cục cũng đã đưa thông báo chất triclosan được phép sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản, diệt khuẩn với hàm lượng không được vượt quá 0,3%.
Triclosan có thể gây nguy cơ vi khuẩn đề kháng. Có một số nghiên cứu cho rằng lạm dụng triclosan có thể làm một số chủng vi khuẩn đề kháng chéo, tức là làm cho vi khuẩn tiếp xúc triclosan sẽ có thể đề kháng một số kháng sinh. Tuy nhiên, các nghiên cứu có tính chất báo động đó có một số hạn chế và người ta còn phải thực hiện tiếp nhiều nghiên cứu nữa để xác định triclosan có thực sự gây hiện tượng vi khuẩn đề kháng kháng sinh hay không. Vấn đề thứ hai đang làm cho người ta lo ngại là từ một số nghiên cứu trên súc vật, có thể nghi ngờ triclosan là “chất phá vỡ nội tiết”, tức là ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng một số hormon trong cơ thể.
Vào năm 2006, đã có một nghiên cứu cho thấy triclosan dùng ở liều thấp có thể ảnh hưởng đến hormon tuyến giáp của loài ếch (bullfrog) ở Bắc Mỹ. Nghiên cứu này dẫn đến giả thuyết cho rằng triclosan ức chế tác dụng hormon tuyến giáp bằng cách gắn vào các thụ thể làm cho hormon tuyến giáp không có chỗ gắn vào để phát huy tác dụng. Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2009 ghi nhận triclosan có thể làm thay đổi nồng độ hormon tuyến giáp trong máu và nghiên cứu này được tiến hành trên chuột thí nghiệm. Một nghiên cứu thử trên súc vật thí nghiệm khác bước đầu cho thấy triclosan có thể tác động đến hai hormon sinh dục là estrogen và testosteron.
Do đó, người tiêu dùng khi chọn mua mỹ phẩm nên đọc kỹ thành phần, nếu có thành phần là triclosan vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì không nên dùng, an toàn hơn thì nói không với mỹ phẩm có triclosan.