Doanh nghiệp tự mua văcxin: Tại sao không?

(khoahocdoisong.vn) - Những loại văcxin được đánh giá hiệu quả trong phòng ngừa virus Covid-19 có giá không rẻ. Để phòng dịch, buộc phải tiêm phòng toàn dân.

Xã hội hóa giảm ngân sách

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, dự báo trong các ngày tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, việc tiêm phòng văcxin ngừa Covid-19 được đánh giá là một trong những biện pháp hiệu quả ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan khác phải đảm bảo đủ liều văcxin để tiêm cho toàn dân một cách sớm nhất.

Hiện nay, trên thị trường đang có nhiều loại văcxin được đánh giá tạo ra kháng thể hiệu quả cho phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Như văcxin của hãng AstraZeneca đã được chứng minh có hiệu lực đạt trên 80% đối với người trưởng thành, giúp giảm tỷ lệ bệnh nặng và nhập viện sau liều tiêm đầu tiên. Đặc biệt, đối với 2 biến thể mới của virus là B.1.617.2 và B.1.17, văcxin cũng cho thấy hiệu quả bảo vệ tương tự như chủng ban đầu. Ngoài ra, còn có văcxin do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hay Sputnik V của Nga đều cũng được đánh giá cao.

Việc tiêm phòng văcxin không chỉ giúp toàn dân phòng dịch, mà còn tạo ra một môi trường thuận lợi để khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế sau dịch.

Điển hình như việc 81% hội viên của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) khẳng định sẽ tiếp tục gửi các chuyên gia tới Việt Nam, bất chấp dịch bệnh. Do đó, AmCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm ổn định tình hình dịch trong nước để đi lại được thuận tiện hơn.

Hay như tại Bắc Giang, dịch bệnh đã khiến tỉnh này phải đóng cửa 4 trong 5 KCN lớn nhất tỉnh. Lưu ý rằng 4 khu công nghiệp (KCN) này có tổng vốn đầu tư lên tới 5 tỷ USD và là động lực thúc đẩy kinh tế công nghiệp chính của tỉnh trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, việc tiêm phòng văcxin đối với toàn dân đang là bài toán khó của Chính phủ, nhất là khi ngân sách hạn hẹp và ảnh hưởng từ dịch khiến kinh tế khó khăn. Theo tính toán từ Bộ Tài chính, để mua 150 triệu liều văcxin tiêm phòng cho 75 triệu người dân, cần ít nhất 25.200 tỷ đồng.

Liên bộ Tài chính – Y tế cũng cảnh báo, khi dịch kéo dài thì nhu cầu văcxin hằng năm tăng cao, kinh phí mua văcxin sẽ lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Trong khi đó, từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp trong nước liên tục ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. Tính riêng trong đợt dịch lần thứ 4 này, Vingroup đã sẵn sàng tài trợ 4 triệu liều văcxin, T&T Group hỗ trợ 1 triệu liều văcxin; Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark hỗ trợ 1 triệu USD; Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng; Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hỗ trợ 10 tỷ đồng...

Thực tế, nhiều doanh nghiệp này sẵn sàng chi tiền để mua văcxin ngừa Covid-19 nếu có cơ chế phù hợp. Khảo sát của AmCham cho biết, 88% doanh nghiệp hoặc người được hỏi sẵn sàng bỏ tiền để mua văcxin chất lượng cao. Bởi với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động sẽ liên quan mật thiết đến doanh thu của doanh nghiệp.

Đau đầu cơ chế quản lý

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã từng gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế có cơ chế để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu văcxin để dùng cho nội bộ công nhân trong doanh nghiệp, đảm bảo người lao động yên tâm đi làm, nhất là đối với những ngành thâm dụng lao động như dệt may.

Tuy nhiên, đề xuất này đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét. Bởi hiện nay đang có rất nhiều loại văcxin trên thị trường, một số ít trong đó như AstraZeneca, Pfizer... đều đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, nhưng giá cả cao. Còn những loại văcxin khác, rất khó để đánh giá độ hiệu quả.

Nếu cho phép nhập khẩu, Chính phủ và Bộ Y tế cần phải có hàng rào kỹ thuật để thẩm định chất lượng văcxin. Trong khi Bộ Y tế đang dồn sức chống dịch, hàng rào kỹ thuật này không thể hoàn thiện trong một thời gian ngắn.

Hơn nữa, quá trình nhập khẩu, cách thức bảo quản và kiểm soát sau khi nhập khẩu cũng sẽ phát sinh bài toán về quản lý thị trường phức tạp.

Trong khi nguồn cung văcxin còn thiếu, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu văcxin có thể nhập khẩu thêm và bán lại với giá cao để thu lợi. Nếu cơ chế quản lý thiếu hiệu quả, việc buôn bán này có thể phát triển thành một thị trường hoang dại.

Ngoài ra, trong quá trình tiêm chủng, các phản ứng phụ của thuốc là có xảy ra. Việt Nam cũng đã ghi nhận trường hợp sốc phản vệ dẫn tới tử vong sau khi tiêm thuốc. Do đó, nếu doanh nghiệp được phép nhập khẩu thì việc tiêm phòng vẫn cần Bộ Y tế tổ chức thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho những người được tiêm.

Rõ ràng, với nguồn lực hiện nay, việc để doanh nghiệp chủ động nhập khẩu văcxin là một hướng đi khả thi, phù hợp với chủ trương xã hội hóa tiêm phòng văcxin Covid-19 toàn dân. Nhưng để đảm bảo, Chính phủ cần công bố công khai các loại văcxin được phép sử dụng tại Việt Nam, công khai quy trình, tiêu chí đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bảo quản và sử dụng văcxin, các cơ sở y tế được phép bảo quản, tiêm văcxin... Doanh nghiệp sẽ căn cứ trên các tiêu chí đó để chủ động tìm kiếm nguồn cung, đối tác thực hiện.

Theo Đời sống
back to top