Báo cáo mới được công bố bởi FiinGroup cho thấy, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù có giai đoạn trì hoãn lại sau khi Nghị định 153 và 155 hiệu lực.
Trong đó, ngành bất động sản phát hành 172 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% cơ cấu phát hành trái phiếu. Tiếp theo là Ngân hàng với 116 nghìn tỷ đồng, chiếm 33% tổng giá trị phát hành.
Riêng nhóm bất động sản, Công ty CP Hưng Thịnh Land có giá trị phát hành trái phiếu lớn nhất, với 7.950 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Mediterranean Revival Villas - một công ty có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Masterise, với giá trị phát hành 7.200 tỷ đồng. VinGroup đứng thứ ba với giá trị 6.976 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty CP Osaka Garden phát hành giá trị 6.800 tỷ đồng, Công ty CP Hoàng Phú Vương 4.670 tỷ đồng, cả hai doanh nghiệp này cũng đều có liên quan với Masterise.
Như vậy, chỉ tính riêng nhóm liên quan đến Masterise, giá trị phát hành đã lên đến 18.670 tỷ đồng.
Ngoài ra, top 9 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất còn có Công ty CP Đầu tư GoldenHill; Công ty CP Đầu tư Tân Thành Long An; Công ty CP Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn; Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Xét về lãi suất trong top 9 doanh nghiệp bất động sản này, Công ty CP Osaka Garden hiện đang là doanh nghiệp trả lãi suất trái phiếu cao nhất, lên đến trung bình 13,28%/năm. Tiếp theo là Công ty CP Hoàng Phú Vương với lãi suất 12,9%/năm. Đứng thứ ba là Công ty CP dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn với lãi suất 10,61%/năm.
Một số doanh nghiệp bất động sản trả lãi suất trái phiếu cũng thuộc hàng cao tương đối trên thị trường như Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, Tân Thành Long An...
Nhận định về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, FiinGroup cho rằng, ngành Xây dựng và Bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với lãi suất trung bình lần lượt là 10,3% và 10,7%/năm.
Đặc biệt, có tới 26% trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo, hoặc bảo đảm bằng cổ phần, hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập. Điều này tạo nghi ngại về rủi ro không kiểm soát được trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, chất lượng trái phiếu hiện nay xuống thấp. Đây là yếu tố rủi ro chính không chỉ đối với nhà đầu tư trái phiếu mà cả kênh tín dụng ngân hàng.