<div> <p>Sáng 12/3, Thủ tướng trực tiếp lắng nghe đại diện một số doanh nghiệp tư nhân về tình hình khó khăn do Covid-19. Đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng. </p> <p>Tỷ lệ khách lấp đầy tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng giảm mạnh, chỉ còn 10-20%. Họ buộc lùi tiến độ khai trương loạt công trình và phải tạm đóng cửa một số khu vực. "Thu nhập người lao động ảnh hưởng nghiêm trọng", đại diện Sun Group chia sẻ. </p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Đại diện doanh nghiệp phát biểu ở cuộc gặp với Thủ tướng sáng 12/3. Ảnh: VGP" src="https://khds.1cdn.vn/2020/03/10/dai-dien-cac-tap-doan-phat-bie-3996-8907-1584000151.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Đại diện Vietjet phát biểu ở cuộc gặp với Thủ tướng sáng 12/3. <em>Ảnh: VGP</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tình trạng này cũng không mấy sáng sủa ở các tập đoàn có lĩnh vực dịch vụ, khách sạn lưu trú, du lịch khác như BRG. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho biết, riêng mảng khách sạn ước tính thiệt hại nặng từ cuối tháng 1 đến nay, chưa kể các mảng dịch vụ khác.</p> <p>Tương tự với hàng không. Cục Hàng không (Bộ Giao thông) từng ước tính, hàng không Việt Nam có thể thiệt hại 25.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD). Còn theo đại diện Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, doanh thu của hãng đã giảm một nửa trong quý I. Nhiều giải pháp ứng phó được đưa ra như cơ cấu lại chặng bay, mở thêm đường bay mới tới Ấn Độ..., song kế hoạch cũng tạm dời vì dịch bệnh lây lan. Trước mắt, Vietjet buộc phải giảm 30% lương nhân viên, giảm giờ lao động và tăng cường các hoạt động trực tuyến.</p> <p>"Chúng tôi mong được giảm lãi suất vay trong 2-3 năm để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Tất nhiên đi cùng đó là điều kiện doanh nghiệp phải cam kết sử dụng vốn hiệu quả", vị này nói. </p> <p>Dẫn lại báo cáo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với 1.200 doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.</p> <p>"Nếu Covid-19 chưa qua mà khủng hoảng kinh tế đã tới thì các doanh nghiệp sẽ hành động, chống đỡ thế nào", ông đặt vấn đề. Theo ông Bình, cần chống đại dịch trên 3 mặt trận, chống dịch - chống suy thoái doanh nghiệp và thất nghiệp.</p> <p>Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam năng lực ứng phó thấp, không nhiều đơn vị chủ động các biện pháp chống dịch, nên tác động của đại dịch này tới sức khoẻ doanh nghiệp càng lớn. Lúc này, nếu sai một bước đi thì tốn vô cùng khi theo lời ông Bình, "đạn dược chúng ta ít".</p> <p>Hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn các bộ, ngành sớm có hướng dẫn để gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ, hỗ trợ thuế gần 30.000 tỷ sớm tới được với họ. </p> <p>Vietjet cũng đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng hàng không. Hiện mỗi lít xăng gánh 3.000 đồng thuế môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay. "Đây là thuế gián thu, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không", vị đại diện Vietjet nói.</p> <p><span><strong>Nhưng các doanh nghiệp cũng không quên chỉ ra cơ hội từ đại dịch này. </strong></span></p> <p>Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Masan nói, nỗi sợ thường làm tê liệt con người, tổ chức, nền kinh tế và gây ra thiệt hại nặng nề.</p> <p>"Nếu chỉ nghĩ trời mưa thì sẽ thua". Còn nếu nghĩ "thiệt mình thì thiệt người, lợi mình cũng lợi người lại có thể tìm ra thời cơ", ông Quang nói.</p> <p>Chủ tịch Masan cho rằng, với mỗi doanh nghiệp ưu tiên lúc này là ổn định đội ngũ, ổn định xã hội bằng cách đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Và quan trọng, cần một đội trưởng để điều phối.</p> <p>Ông phân tích, trước đây người Việt Nam vẫn quen với các thị trường truyền thống, đi mua phải "tận mặt, tận nơi", thì khi dịch xảy ra sẽ là cơ hội của thị trường trực tuyến. "Khủng hoảng luôn là động lực kích hoạt sự thay đổi và mảng online sẽ có bước phát triển lớn", ông nói. Tập đoàn này có kế hoạch để ngày càng nhiều người dân chọn cách thức mua hàng trực tuyến, ngồi nhà mua hàng mà không cần trực tiếp đến siêu thị. </p> <p>Ở góc độ này, Chủ tịch Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình đồng tình, lúc này doanh nghiệp nên "chuyển mọi thứ lên online, tăng cường chất lượng dịch vụ nội bộ". Ông cho hay, FPT đang xây dựng các công cụ làm việc trực tuyến để duy trì mức làm việc như cũ mà không phụ thuộc vào dịch.</p> <p>Trong khi đó Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương cho rằng, các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế. Sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết lúc này.</p> <p>Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel thì góp ý, đây chính là lúc các doanh nghiệp Việt phải gắn kết cùng nhau gia tăng giá trị. Thái Lan đang làm mạnh cách này, trong khi Việt Nam thì chưa bởi tư duy "mạnh ai nấy lo". "Doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, đưa ra các đề nghị cụ thể với Chính phủ, bộ, ngành thì mới hiệu quả", ông Kỳ nói.</p> <table align="center" border="0" cellpadding="3" cellspacing="0"> <tbody> <tr> <td><img alt="Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện một số tập đoàn tham dự cuộc gặp sáng 12/3. Ảnh: VGP" src="https://khds.1cdn.vn/2020/02/18/tt-cung-dai-dien-cac-tap-doan-6632-1529-1584000151.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p>Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện một số tập đoàn tham dự cuộc gặp sáng 12/3. <em>Ảnh: VGP</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng nói: "Dịch khiến chúng ta khó khăn gấp đôi, thì phải cố gắng gấp ba". Với việc WHO đã công bố Covid-19 là đại dịch, Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, ông nói, lúc này mỗi doanh nghiệp, tập đoàn phải là "pháo đài" cùng Chính phủ phòng, chống dịch.</p> <p>Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Một chương trình phục hồi kinh tế toàn diện sau dịch bệnh cũng được Chính phủ lên kịch bản. </p> <p>Ông yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch xem lại phương pháp linh hoạt hơn, tránh cứng nhắc. Chẳng hạn, với các chuyên gia, nhà quản trị lành nghề từ các vùng an toàn tới Việt Nam thì cần xem cách thức tiếp nhận. Ngoài ra, các địa phương đối thoại, có biện pháp tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp chứ "không chỉ chờ Chính phủ làm".</p> <p><strong> </strong></p> </div> <p> </p>