<div> <p>Ngày 17/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam của Đại học Quốc gia Hà Nội do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện.</p> <p>Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 có chủ đề “Củng cố điểm tựa tài khóa cho phát triển”, gồm 7 Chương và 2 Phụ lục.</p> <p>Ở Chương 6 với nội dung khảo sát tình trạng khó đo lường tình trạng “trốn và tránh thuế” của các công ty hoạt động tại Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh, các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội, nên cũng trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước.</p> <div> <div><img alt="fdi, doanh nghiệp, phục hồi, đầu tư, trốn thuế, kê giá, TNDN, VEPR - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/06/18/image-tienphong-vn_vepr_bqly_gozh.jpg" /><span>TS Nguyễn Đức Thành, chủ biên Báo cáo, phát biểu tại sự kiện.</span></div> </div> <p>Trong điều kiện các yếu tố khác là như nhau, tỷ suất lợi nhuận (ROA và ROE) khai báo của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước, bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực DNNN.</p> <p>Ước tính trung bình trong giai đoạn 2013 – 2017, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm dao động trong khoảng 13.300 đến 20.700 tỷ đồng, tương đương 6,4% – 9,9% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Những con số này lớn gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý. Trong đó, mức thất thu thuế mỗi năm từ khu vực FDI có thể lên tới 8.000 – 9.000 tỷ đồng, còn từ khu vực ngoài nhà nước có thể lên tới 10.500 tỷ đồng.</p> <p>Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đưa ra những ước lượng ban đầu về quy mô trốn và tránh thuế TNDN.</p> <p>Theo các chuyên gia từ VEPR, xu hướng chuyển giá trị đầu tư từ các khu vực chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay giữa Hàn Quốc với Nhật Bản đã tác động nhiều đến sự phân cực của kinh tế thế giới.</p> <p>Ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đang tránh rủi ro từ chiến tranh thương mại, cụ thể là chuyển khỏi Trung Quốc, Hàn Quốc để sang nước thứ 3 nhằm tránh tác động không mong muốn về trừng phạt thương mại.</p> <p>Việt Nam đang nổi lên là nền kinh tế năng động, tham gia vào nhiều FTAs lớn như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP... Các thị trường EU, Mỹ, Nhật miễn thuế hàng hóa có xuất xứ Việt Nam đang được mở rộng, đây vừa là cơ hội cho Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và ngay cả các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam.</p> <p>Tuy nhiên, VEPR cảnh báo: “Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ”.</p> <p>Hiện, giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đang đạt kim ngạch rất lớn, xuất siêu mạnh sang Mỹ và nhiều mặt hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao sang Mỹ như thủy sản, giày da, may mặc, thép, điện thoại, máy tính.</p> <p>Tổ chức này cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước.</p> </div>