Khách hàng đua nhau mua ô tô tháng cuối năm nhằm kịp hưởng ưu đãi về lệ phí trước bạ.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ hết hiệu lực khiến thị trường ô tô cuối năm trở nên sôi động hơn. Doanh số ô tô tại nhiều đại lý tăng mạnh cho thấy xu thế khách hàng đang chạy đua mua xe để “né” phí.
Lo không đủ xe giao cho khách
Những ngày đầu tháng 12/2020, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số showroom ô tô trên địa bàn TP Hà Nội, lượng khách tới xem xe, mua xe khá đông.
Tại showroom ô tô Hyundai Phạm Văn Đồng, sau một tuần Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn quy định giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, rất nhiều khách hàng đã đến đại lý xem xe, chốt và mua xe để kịp hưởng ưu đãi này.
Theo nhân viên phòng kinh doanh của đại lý, ước tính mỗi ngày đại lý bán được từ 20 - 25 xe, gần gấp đôi doanh số so với các tuần trước đó.
“Hầu hết các khách hàng tới đại lý đều chia sẻ mong muốn được nhận xe sớm trong tháng để kịp đóng lệ phí trước bạ trước khi ưu đãi kết thúc. Bên cạnh đó, đại lý đang tiếp tục có những chương trình ưu đãi giảm thêm một phần lệ phí trước bạ dành cho khách hàng. Trừ Hyundai Accent bản mới thì các mẫu xe còn lại như Grand i10, Kona, Tucson, Elantra, SantaFe đều được giảm giá, mức giảm tùy từng mẫu xe và phiên bản”, anh Kỷ, nhân viên đại lý cho biết.
Thậm chí, theo anh Kỷ, một số phiên bản xe khan hàng, khách muốn đặt cọc và đề nghị được nhận xe trong tháng nhưng nhân viên bán hàng và đại lý tại đây cũng không dám nhận vì sợ xe không về kịp để giao cho khách.
Tại đại lý Toyota Long Biên, lượng khách mua xe những ngày qua cũng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến, không chỉ đối với xe trong nước mà ngay cả xe nhập khẩu, doanh số cũng cao hơn thời điểm trước. Trong đó, các mẫu xe được khách hàng tìm mua nhiều nhất là Toyota Corolla Cross, Toyota Vios, Toyota Altis.
“Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua xe của người dân thường lớn hơn. Ngoài ra, việc sắp hết hạn ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng góp phần thúc đẩy thị trường. Dự kiến, doanh số tháng 12/2020 tại đại lý sẽ đạt khoảng 300 xe, tăng 50% so với tháng 11”, anh Việt Anh, nhân viên bán hàng tại showroom Toyota Long Biên nói.
Tình trạng xe “cháy hàng” cũng đang xảy ra với một số mẫu xe lắp ráp trong nước như Kia Seltos hay Mercedes GLC. Hiện các đại lý của cả 2 thương hiệu này đều không nhận thêm đơn đặt hàng giao xe trong năm nay vì lo không đủ hàng để giao cho khách.
Giảm thuế trước bạ “cứu” thị trường ô tô
Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế sa sút kết hợp với lệnh giãn cách xã hội, đóng cửa các showroom mua sắm khiến nhiều đại lý ô tô, hãng xe than khó, dự đoán một năm kinh doanh bết bát. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết nửa đầu năm 2020, doanh số toàn thị trường giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngày 28/6, Nghị định 70 của Thủ tướng Chính phủ quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, có thời hạn đến hết ngày 31/12/2020.
Theo đó, với ô tô con, khách hàng Hà Nội chỉ phải trả 6% lệ phí trước bạ, trong khi ở TPHCM là 5%; tùy theo mẫu xe, số tiền giảm từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, qua đó, kích thích nhu cầu mua xe của người dân.
Doanh số bán ra của thị trường ô tô từ tháng 7 - 10/2020 là minh chứng rõ rệt nhất cho tác động của chính sách này. Tính đến hết tháng 10/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 18% so với cùng kì năm ngoái.
Theo đánh giá của VAMA, mức độ tụt dốc của thị trường đã giảm hơn khá nhiều so với con số 31% của nửa đầu năm 2020. Chỉ tính riêng tháng 10/2020, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.498 xe, tăng 15% so với tháng trước.
Dự kiến, doanh số của các mẫu xe nội trong tháng 11 và 12/2020 sẽ còn tăng cao hơn nữa do trùng với cao điểm mua sắm cuối năm.
Anh Kỷ, nhân viên đại lý Hyundai Phạm Văn Đồng nhận định, nếu như tháng 10 và 11 là giai đoạn thị trường ô tô bứt tốc thì tháng 12 là thời điểm lý tưởng để các đại lý ô tô “cán đích” doanh số.
Nhiều khả năng doanh số sẽ không đạt bằng năm 2019 do đã mất nửa năm chật vật vì dịch Covid-19 nhưng nhờ chính sách giảm phí trước bạ, không chỉ khách hàng được lợi mà còn giúp thị trường ô tô khởi sắc trở lại.
Giám đốc một đại lý ô tô trên địa bàn Hà Nội cho biết, doanh số bán hàng của đại lý trong tháng 12 dự kiến sẽ tăng trưởng hơn so với các tháng trước, khách hàng tới đại lý cũng thể hiện sự sốt ruột khi muốn nhận xe trong tháng để kịp hưởng ưu đãi phí trước bạ.
“Từ khi áp dụng chính sách giảm thuế trước bạ đã giúp cải thiện rất nhiều về doanh số đối với các hãng xe cũng như tạo điều kiện cho người dân mua được xe với mức giá rẻ hơn. Nếu không có chính sách này, doanh số toàn thị trường ô tô sẽ giảm khoảng 30% so với năm 2019. Doanh số tại đại lý năm nay nhiều khả năng sẽ không tăng nhiều nhưng cũng không giảm so với năm trước”, vị giám đốc này nhận định.
Trao đổi với PV, đa số các đại lý ô tô bán xe sản xuất trong nước mong muốn tiếp tục được hỗ trợ chính sách này trong năm tới. Nếu không được, có thể hỗ trợ một số chính sách khác như: Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của các linh kiện ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hay giảm các lệ phí dành cho khách hàng mua ô tô. Chẳng hạn như phí đăng ký biển số tại Hà Nội hiện 20 triệu đồng là khá cao, có thể giảm xuống sẽ giúp kích cầu hơn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô cho rằng, thay vì hỗ trợ trực tiếp như việc giảm phí trước bạ, rất có thể các chính sách tới đây sẽ hướng đến việc tạo ra các cơ chế khuyến khích việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa và lắp ráp ô tô trong nước. Cách thức như vậy sẽ đảm bảo tính dài hạn và quan trọng nhất là không vi phạm các cam kết quốc tế.