"Ngày mai (15/7) lockdown toàn thành phố, sáng mai dậy sớm đi mua thêm đồ nhé", đó là tin nhắn chị Trang (quận Bình Thạnh) nhận được lúc 1h sáng từ một người bạn.
Mặc dù khá hoang mang, 7h sáng chị Trang vẫn chạy vội ra siêu thị gần nhà để mua thêm một số thực phẩm. "May mắn đi sớm nên vẫn còn nhiều rau, thịt, cá để mua. Không biết tin đồn có thật hay không nhưng cứ mua sẵn để trong tủ", chị nói.
Thực tế, trong sáng 14/7, lượng khách đến các siêu thị tăng vọt. Nhiều người phải xếp hàng 4 vòng chờ đến 3-4 giờ mới vào mua được hàng. Thậm chí, một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm phải đóng cửa tạm thời để giải tán bớt đám đông.
Các kệ rau tại siêu thị Vinmart (TP Thủ Đức) bị vét sạch chỉ trong vài giờ. Ảnh: Hà Bùi. |
Sáng sớm đổ xô đi mua thực phẩm
Theo ghi nhận của Zing, tại siêu thị Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.op mart, Co.op Food, SatraFoods ở một số quận trên địa bàn TP.HCM, người dân đổ xô đến mua sắm từ sáng sớm và xếp hàng dài để chờ đến lượt. Nhiều người mệt mỏi vì chờ hàng giờ đồng hồ mới được vào mua đồ.
Anh Mạnh sinh sống tại TP Thủ Đức ra cửa hàng Co.op Food ngay đầu hẻm nhà lúc 9h30 sáng. Nhưng tại đây, người mua đã xếp hàng chật kín, quầy rau, củ hết sạch, quầy thịt chỉ còn mỡ heo.
"Trong kho cũng chỉ còn vài nải chuối xanh, quầy trứng thì không có hàng, còn hành, sả, tỏi ớt đã hết sạch...", anh Mạnh cho hay.
Đứng xếp hàng trước cửa hàng thực phẩm Co.op Food trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), anh Long chia sẻ: "Đi 3 siêu thị, chỗ nào cũng 20-30 người đứng xếp hàng giữa trưa nắng. Ở đây nếu chờ thêm 15 phút nữa chưa đến lượt tôi cũng đi về vì quá mệt mỏi", anh nói.
Tương tự, sáng 14/7, ghi nhận tại Vinmart thuộc Vincom Thảo Điền (TP Thủ Đức), quầy rau, củ cũng bị vét sạch. Các thực phẩm như trứng, thịt heo luôn trong tình trạng khan hiếm.
Lượng người đến mua hàng tại các siêu thị TP.HCM trong sáng 14/7 tăng đột biến. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo đó, người có nhu cầu mua thịt theo phải xếp hàng dài ở khu vực bàn cân, thịt được chặt đến đâu người dân sẽ mua ngay ở đó. Nhiều người không đủ kiên nhẫn đành chấp nhận mua thịt đông lạnh hoặc các thực phẩm như hải sản, thịt bò….
Một nhân viên phụ trách cân rau củ cho hay: "Để mua rau với trứng trong những ngày này, người dân buộc phải đến từ sớm, hoặc phải chờ đến sáng hôm sau mới có nguồn hàng mới thêm".
Trưa 14/7, trở về nhà sau khi ra ngoài mua thực phẩm, anh Nghi (quận Tân Phú) cho biết cảm thấy rất hoang mang trước tình trạng mọi người xung quanh đổ xô đi tích trữ thực phẩm.
Tin đồn thành phố sẽ đóng cửa (lockdown) làm mọi người đổ lo lắng, vội vàng đi mua thực phẩm ở khắp nơi.
Anh Nghi, quận Tân Phú, TP.HCM.
Theo anh, tin đồn thành phố sẽ đóng cửa làm mọi người lo lắng, vội vàng đi mua thực phẩm ở khắp nơi, từ các cửa hàng bách hoá tới siêu thị lớn đều xếp hàng dài 20-30 người, rất nguy hiểm.
"Giá thực phẩm bán ở lề đường thì tăng gấp 10 lần, ngoài lề đường bán 5.000 đồng/trái dưa leo, rau muống 30.000 đồng/ký, bắp cải 60.000 đồng/cái”, anh Nghi bức xúc.
Gần 11h trưa, trước cửa hàng Bách Hóa Xanh (quận Bình Thạnh) là 30 người xếp hàng chờ. Anh Tuấn vừa mua hàng xong cho biết trong siêu thị không còn một vỉ trứng nào, rau, thịt cũng chỉ còn 1 ít.
"Khoảng 30 phút nữa sẽ chẳng còn rau, thịt để mua. Trái cây và một số loại mặt hàng khô như miến, mỳ gói, sữa thì vẫn còn nhiều", anh nói.
Trong khi đó, tại cửa hàng Co.op Food trên đường Lương Định Của, TP Thủ Đức cũng ghi nhận tình trạng người dân xếp hàng dài để đợi mua thực phẩm. Toàn bộ khách hàng đến mua sắm đều phải khai báo y tế và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K.
TP.HCM đủ lương thực, thực phẩm cho người dân
Trước những thông tin lan truyền, thiếu kiểm chứng, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM khẳng định những thông tin về việc "TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố" là sai sự thật, xuyên tạc.
Đề nghị người dân bình tĩnh, không chia sẻ những thông tin không chính thống, không lan truyền các thông tin không kiểm chứng.
Lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Hiện, Sở Công Thương TP.HCM cũng cho biết đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
"Sẽ không có chuyện đóng cửa hết các siêu thị, điểm bán hàng", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh.
Hết thực phẩm tươi, nhiều người đành phải chuyển sang mua thực phẩm đông lạnh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đặc biệt, chiều 13/7, Sở Công Thương đã triển khai cho 22 quận, huyện và TP Thủ Đức tận dụng cơ sở vật chất của chợ truyền thống đang tạm ngưng hoạt động bố trí mặt bằng bảo đảm quy định về phòng chống dịch, chọn 2-10 tiểu thương có kinh nghiệm mở bán rau củ quả trở lại.
"Tiểu thương tại chợ phải chủ động nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng cho cả người bán và mua", ông Phương cho hay.
Trong trường hợp nhiều tiểu thương có chung nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ sắp xếp, tổ chức cho các tiểu thương này bán theo hình thức luân phiên.
Mỗi ngày, Sở Công Thương TP.HCM và UBND các quận, TP Thủ Đức cũng sẽ bố trí điểm bán tại nhiều quận, huyện để doanh nghiệp chuẩn bị, sau đó thông báo đến các hộ gia đình về thời gian và địa điểm để người dân chủ động mua sắm.
"Trong giai đoạn khó khăn chung vì dịch bệnh, các nhu cầu cá nhân gặp nhiều bất tiện nhưng rất cần người tiêu dùng thông cảm, chia sẻ", Phó giám đốc Sở Công Thương bày tỏ.