Hoa đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính ấm giúp hòa huyết, điều kinh, khu phong thấp. Hoa thu hái vào mùa xuân. Lá đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính bình giúp giải độc, thanh nhiệt, chỉ huyết. Lá thu hái vào mùa hè thu. Rễ đỗ quyên có vị chua, ngọt, tính ấm, tác dụng hòa huyết chỉ huyết, khu phong chỉ thống. Rễ có thể thu hoạch quanh năm.
Trong Đông y, người ta dùng tươi hoặc phơi khô hoa, lá, rễ, hạt đỗ quyên làm thuốc. Đỗ quyên giúp chữa bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, bế kinh, băng lậu, ngoài ra còn trị phong thấp sưng đau, trĩ xuất huyết, đòn ngã tổn thương, thổ huyết, chảy máu mũi, trị mụn nhọt sưng lở, ngoại thương xuất huyết, mề đay. Đỗ quyên cũng có tác dụng giảm đau, tác dụng đối với hệ tim mạch, làm giảm nhịp tim, hạ huyết áp. Để chữa đòn đau do ngã, lấy 15g hạt đỗ quyên tán bột, uống cùng với một chút rượu. Nếu vết thương chảy máu thì dùng đỗ quyên khô tán nhỏ thành bột rắc vào vết thương, ngày thay một lần, dùng khi máu không chảy thì thôi.
Để chữa ngoại thương xuất huyết, sử dụng lượng vừa đủ hoa và lá đỗ quyên tươi, giã nát đắp ngoài vết thương. Để chữa áp xe vú, lấy rễ cây đỗ quyên rửa sạch, sắc uống lượng 30g, cho 3 bát nước đun cạn còn một bát, uống trong ngày, uống liên tục 5-7 ngày, khi vú hết sưng, sữa chảy ra là được. Nếu kinh nguyệt không đều, nước kinh trong đặc, lưng bụng đau buốt lấy 30g rễ đỗ quyên, 30g hải kim sa, 15g ô dược, tất cả đem sắc nước uống trước kỳ kinh 5 ngày. Uống liên tục trong 3- 5 ngày, mỗi ngày chỉ dùng một thang. Đối với bệnh nhân đau dạ dày, đau vùng thượng vị, có ợ hơi, ợ chua, ăn không tiêu, hay đầy bụng, ậm ạch, lấy rễ cây đỗ quyên 12g, hành lá, mộc hương tươi, quất hồng bì 12g, tất cả rửa sạch, sắc uống ngày ba lần, uống liên tục đến khi nào hết đau thì thôi.
Lương y Thu Hằng (Phòng khám Hồng Sơn Đường)