Hỏi: Hiện ở các trung tâm thương mại, khu tập trung đông người thường đo thân nhiệt bằng nhiệt kế hồng ngoại. Liệu biện pháp này có phân loại được chính xác các trường hợp nghi nhiễm Covid-19?
Nguyễn Thị Minh Hồng (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội)
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự: Mỗi vật, bao gồm cơ thể chúng ta có nhiệt độ đều phát ra một quang phổ có bước sóng khác nhau, do đó, chúng ta có thể lợi dụng tia hồng ngoại để nhận biết bước sóng của quang phổ do nhiệt độ cơ thể phát ra là bao nhiêu, từ đó, quy đổi ra nhiệt độ cơ thể. Về mặt lý thuyết, nhiệt kế hồng ngoại còn chính xác hơn cả nhiệt kế thủy ngân, nhưng trong thực tế, do một số lý do, thì độ chính xác này không được như kỳ vọng.
Nguyên nhân là khi tia hồng ngoại khi quét dãy quang phổ do cơ thể phát ra, thì cũng đồng thời quét quang phổ từ môi trường xung quanh, đặc biệt là khi ở gần những vật nóng như ấm nước sôi, bếp lửa, lò sưởi… Do đó, máy bị ảnh hưởng không ít từ môi trường, do đó, khi đo nhiệt độ bằng nhiệt kế điện tử hồng ngoại, sự tiếp xúc càng gần giữa cơ thể và nhiệt kế sẽ cho số đo càng chính xác hơn.
Thiết bị đo thân nhiệt chỉ để sàng lọc khả năng nhiễm virus chứ không phát hiện được trường hợp nhiễm virus Corona. Bên cạnh đó, khi dùng máy đo để kiểm tra nhiệt độ ở các môi trường bụi bặm hay trong ô tô có thể ảnh hưởng đến kết quả. Trên thực tế, nhiều người dùng sai cách khiến kết quả không chính xác. Nếu để quá xa có thể cho kết quả thấp bất thường hoặc để quá gần, thiết bị sẽ nhảy số cao... Do vậy, để kiểm soát dịch bệnh thì ngoài việc đo thân nhiệt, người dân cần khai báo thông tin dịch tễ, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rằng, một số người nhiễm bệnh sẽ vượt qua kiểm tra nhiệt độ, nhưng vẫn cho rằng việc kiểm tra sẽ làm giảm nguy cơ phát tán bệnh. Khi đo nhiệt độ bằng nhiệt kế hồng ngoại, bạn cần chú ý nên đo ít nhất 3 lần rồi lấy số đo trung bình để có kết quả chính xác nhất.